Nâng cao hiệu quả các dự án khuyến nông

Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thị trường nông sản không ổn định, giá vật tư tăng cao… nhưng các dự án khuyến nông vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống khuyến nông Sơn La đã tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông nhằm chuyển giao các tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới. (Ảnh Trung tâm Khuyến nông quốc gia)
Hệ thống khuyến nông Sơn La đã tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông nhằm chuyển giao các tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới. (Ảnh Trung tâm Khuyến nông quốc gia)

Qua triển khai, các dự án đã giúp nhân dân nâng cao hiệu quả sản xuất đồng thời góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, lấy hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch.

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, năm 2022, Trung tâm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao quản lý 162 dự án khuyến nông Trung ương, trong đó lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật 61 dự án; chăn nuôi, thú y 38 dự án; khuyến ngư 35 dự án; lâm nghiệp 21 dự án…

Các dự án tập trung cho một số đối tượng cây, con chủ lực, vùng trọng điểm và sản xuất hàng hóa nhằm phát triển ngành nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị; nâng cao tri thức, chuyên nghiệp hóa trong sản xuất cho nông dân.

Đồng thời, các dự án góp phần triển khai đề án xây dựng vùng nguyên liệu cũng như: Đào tạo, quảng bá, cách thức làm nông nghiệp cho người dân; thực hiện chuyển đổi nhận thức từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Không những vậy, các dự án giúp nâng cao hiệu quả thông qua sản xuất hữu cơ, an toàn, thúc đẩy áp dụng cơ giới hóa làm tăng giá trị của sản phẩm.

Việc thực hiện những dự án đã dần khắc phục tình trạng sản xuất dàn trải, manh mún và có tác động tích cực đến môi trường, xã hội, mang lại hiệu quả hơn 10% so với sản xuất đại trà.

Nổi bật là 20 dự án về phát triển sản xuất rau, hoa với quy mô 742ha đã góp phần hình thành vùng nguyên liệu bảo đảm năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP; các dự án hướng đến sản xuất rau trái vụ, công nghệ cao, hữu cơ, gắn với truy xuất nguồn gốc, liên kết tiêu thụ sản phẩm đã nâng cao chất lượng và giá trị.

Những dự án tập trung sản xuất các loại rau đặc sản của địa phương và mang tính hàng hóa.

Cùng với đó, người dân khi tham gia dự án được hưởng lợi nhiều vì được bao tiêu sản phẩm.

Bên cạnh đó, với 19 dự án phát triển sản xuất cây ăn quả có quy mô 482ha, tập trung chủ yếu ở miền núi phía bắc, miền trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long với các loại cây chính là cam, bưởi, xoài, sầu riêng, bơ, chanh leo, thanh long...

Nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, sản xuất theo vùng nguyên liệu tập trung như: Vùng nguyên liệu cây ăn quả tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre… đã góp phần thúc đẩy năng suất tăng từ 12% đến 20%, hiệu quả kinh tế cũng tăng hơn 20% so với ngoài mô hình.

Với 13 dự án phát triển sản xuất cây công nghiệp, quy mô 377ha, triển khai tại các tỉnh miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, đối tượng triển khai là: Chè, cà-phê, cao-su, hồ tiêu...

Các mô hình được áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất an toàn, hữu cơ, chứng nhận VietGAP và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, năng suất chè tại các mô hình tăng hơn 15%, giúp người dân tăng thu nhập hơn 20% so với sản xuất đại trà.

Ngoài ra, mô hình chăn nuôi gà theo VietGAHP, liên kết tiêu thụ sản phẩm với sáu dự án, tại tám địa phương như: Hà Nội, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên có quy mô 64 nghìn con gà thịt.

Các hộ tham gia mô hình được ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nên giá bán ổn định, hiệu quả cao hơn so với ngoài mô hình từ 12% đến 15%.

Ngoài ra, mô hình ương giống cá tra ứng dụng công nghệ cao, liên kết tiêu thụ tại khu vực Nam Bộ, góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, năng suất thấp, gây ô nhiễm môi trường. Qua thực hiện cho thấy hiệu quả cao hơn 28,9% so với sản xuất ngoài mô hình.

Thí dụ như mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa chuyển đổi gắn với tiêu thụ sản phẩm tại tỉnh Quảng Bình, qua tính toán, sau khi trừ chi phí mỗi hộ thu nhập từ 80 đến 110 triệu đồng, tăng hơn nhiều lần so với trồng lúa.

Hay như mô hình sử dụng đèn LED chuyên dụng cho nghề lưới vây kết hợp ánh sáng đánh bắt ở biển, giúp sản lượng khai thác tăng thêm từ 8% đến 10%/chuyến biển, tiết kiệm từ 50% đến 62% nhiên liệu, giảm chi phí từ 19% đến 22%, lợi nhuận trung bình tăng từ 25% đến 38% mỗi chuyến.

Cũng theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, năm 2023, các dự án khuyến nông Trung ương tiếp tục xây dựng và triển khai theo hướng tập trung vào các sản phẩm chủ lực phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; sản xuất theo hình thức liên kết, hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung ổn định, quy mô lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu; tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng nhằm khai thác và phát huy lợi thế từng vùng, miền, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng và phát triển mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, giảm chi phí sản xuất và tổn thất sau thu hoạch đối với các sản phẩm chủ lực cũng như chú trọng sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp; các mô hình, dự án tạo ra sản phẩm được cấp mã số vùng trồng, sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chứng nhận, gắn truy xuất nguồn gốc.

Nhằm đẩy mạnh công tác khuyến nông, vừa qua Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan có công văn đề nghị các địa phương củng cố và phát triển các mô hình khuyến nông cộng đồng để trở thành lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp ở cơ sở gắn với phát triển các vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản quy mô lớn, đạt chuẩn; chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng để các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động có hiệu quả, trong đó tập trung vào việc nắm bắt tình hình sản xuất nông nghiệp, chuyển giao kiến thức, kỹ thuật cho nông dân, đồng hành với nông dân; tư vấn, dịch vụ, thương mại nông sản, kết nối thị trường, cung cấp thông tin thị trường, giá cả cho nông dân; tư vấn tổ chức lại sản xuất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các hình thức hoạt động khuyến nông, phát triển hoạt động dịch vụ sản xuất nông nghiệp ở cơ sở; mở rộng hệ thống khuyến nông doanh nghiệp, khuyến nông hợp tác xã, khuyến nông cộng đồng… đáp ứng nhu cầu của sản xuất, thị trường; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức về chuyên môn, thị trường, tổ chức sản xuất, công nghệ số cho lực lượng cán bộ khuyến nông cơ sở, khuyến nông cộng đồng...