Cùng suy ngẫm:

Nâng cao hiệu quả bảo hộ giống cây trồng

Bảo hộ giống cây trồng nhằm tạo động lực cho các hoạt động nghiên cứu, tạo ra nhiều giống cây mới có đặc tính tốt, chống chịu được với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và thỏa mãn yêu cầu từ thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từ năm 2006, khi trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV), đến nay Việt Nam thực hiện bảo hộ giống cây trồng hiệu quả có tác động tích cực tới kinh tế, xã hội của đất nước.

Qua thống kê, từ năm 2006 đến 2010, các giống đăng ký bảo hộ chủ yếu được thực hiện do các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm nghiên cứu thuộc Nhà nước.

Sau năm 2010, nhiều đơn vị tư nhân đã bắt đầu đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển giống cây trồng mới và đăng ký bảo hộ để khai thác lợi ích. Trong đó, nhiều công ty đã đầu tư cơ sở vật chất từ nghiên cứu, chọn tạo, chế biến, đóng bao, tiếp thị...

Điển hình như các trung tâm nghiên cứu, nhà máy chế biến của Vinaseed, ThaiBinhseed, Công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời… Sự chuyên môn hóa giúp nhiều giống mới được chọn tạo phục vụ sản xuất, đồng thời chất lượng cũng bảo đảm. Từ đó, giúp nông dân được cung ứng giống có chất lượng, năng suất tốt hơn.

Đến cuối năm 2022, có khoảng 1.000 giống cây trồng đã được cấp bằng bảo hộ.

Theo Cục Trồng trọt, đến cuối năm 2022, có khoảng 1.000 giống cây trồng đã được cấp bằng bảo hộ. Nhiều giống cây trồng có chất lượng tốt, năng suất cao với những đặc tính nổi bật được chọn tạo và đưa ra thị trường, góp phần nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Các giống mới được chọn tạo, phát hiện và phát triển không chỉ tập trung vào một số loài thuộc nhóm cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày như trước đây mà có sự đa dạng, phong phú hơn.

Đặc biệt, từ năm 2018, được sự hỗ trợ của Nhật Bản và UPOV, Việt Nam đã từng bước tham gia hệ thống UPOV e-PVP, giúp quản lý dữ liệu hiệu quả, nhanh chóng, an toàn. Ngày 28/9 vừa qua, Cục Trồng trọt khai trương nền tảng quản lý dữ liệu bảo hộ cây trồng UPOV e-PVP tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay việc bảo hộ giống cây trồng còn nhiều khó khăn, do chỉ có Trung tâm khảo nghiệm giống, sản phẩm giống cây trồng quốc gia thực hiện khảo nghiệm DUS (quá trình đánh giá tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của giống cây trồng mới theo quy phạm khảo nghiệm DUS đối với từng loại cây trồng) đối với loài lúa, ngô.

Hơn nữa, Việt Nam đang thực hiện bảo hộ đối với tất cả các loài cây trồng nhưng việc xây dựng đội ngũ chuyên gia thẩm định có đủ trình độ chuyên môn cho nhiều loài cây trồng, đặc biệt là các loài cây trồng mới đang gặp khó khăn; lực lượng thực hiện công tác bảo hộ còn mỏng ảnh hưởng đến việc thẩm định khảo nghiệm DUS cũng như các công việc chuyên môn khác của bảo hộ giống cây trồng...

Để thực hiện tốt công tác bảo hộ giống cây trồng, thời gian tới cần nâng cao năng lực cơ quan quản lý nhà nước về xác lập quyền đối với giống cây trồng, bao gồm việc xây dựng hệ thống khảo nghiệm quốc gia; chú trọng đào tạo cán bộ khảo nghiệm chuyên nghiệp đối với các loài cây trồng hiện đang được sản xuất, thương mại phổ biến tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức cho mọi đối tượng liên quan về bảo hộ giống cây trồng như: Người tiêu dùng, nông dân, các nhà chọn giống, doanh nghiệp có hoạt động chọn tạo, sản xuất, thương mại giống cây trồng; cán bộ làm việc trong hệ thống từ Trung ương đến địa phương liên quan và các cơ quan thực thi pháp luật về quản lý giống cây trồng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm thực hiện tốt bảo hộ giống cây trồng ở Việt Nam với khu vực và thế giới; trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác, đặc biệt là đối với những loài cây trồng mới...