Nâng cao giá trị và thương hiệu trà Thái Nguyên

Với lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu, kỹ thuật trồng, chế biến của người dân, những năm qua, nghề trồng, chế biến trà ở Thái Nguyên đã phát triển mạnh mẽ, làm nên thương hiệu “Đệ nhất danh trà Thái Nguyên”, được người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc liên doanh, liên kết sản xuất, chế biến chè còn hạn chế; diện tích chè hữu cơ còn thấp; thu hút doanh nghiệp đầu tư trồng, chế biến chè còn gặp nhiều khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Một mô hình gắn nghề chè với phát triển du lịch trải nghiệm, sinh thái ở Thái Nguyên.
Một mô hình gắn nghề chè với phát triển du lịch trải nghiệm, sinh thái ở Thái Nguyên.

Với diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước, mang lại thu nhập, giá trị vượt trội so với các loại cây trồng khác, tỉnh Thái Nguyên đang tích cực triển khai các giải pháp nâng cao giá trị, thương hiệu để nghề trồng, chế biến trà phát triển nhanh, bền vững.

Cây trồng chủ lực, thế mạnh

Vốn sản xuất, kinh doanh chè quy mô hộ gia đình, phát huy lợi thế vùng chè đặc sản Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), nơi có kinh nghiệm trồng và chế biến chè lâu đời được xếp hạng di sản phi vật thể quốc gia, bà Đào Thanh Hảo ở xóm Nam Đồng, xã Tân Cương thành lập tổ hợp tác, sau đó phát triển thành Hợp tác xã chè Hảo Đạt với các sản phẩm “Chè tôm nõn” đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao, các sản phẩm khác đạt tiêu chuẩn 4 và 3 sao, mang lại doanh thu lớn nhất so với các hợp tác xã khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Hợp tác xã hiện có 30 thành viên, 15 tổ hợp tác và 50 hộ dân liên kết, mỗi năm đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng. Giám đốc Hợp tác xã Đào Thanh Hảo cho biết: “Chúng tôi quản lý nghiêm ngặt quy trình chăm sóc sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tuân thủ bí quyết về thời gian, quy cách thu hái, chế biến, đóng gói, mẫu mã đẹp, đa dạng cho nên chè mang thương hiệu Hảo Đạt được người tiêu dùng gần xa ưa chuộng.

Hằng năm, mỗi ha chè mang lại doanh thu 600-700 triệu đồng, làm giàu cho các thành viên hợp tác xã và hộ liên kết”. Thời gian gần đây, Hợp tác xã còn sản xuất các sản phẩm bánh, kẹo từ chè, xây dựng không gian văn hóa trà để du khách trải nghiệm nghề trồng, chế biến và thưởng trà miễn phí.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn có những thương hiệu chè nổi tiếng như Khe Cốc, Trại Cài, Hà Thái, La Bằng, Tức Tranh... đạt giải vàng, bạc tại nhiều liên hoan trà quốc tế. Ông Đào Văn Toàn ở xóm Nam Đồng, xã Tân Cương cho biết: Trà là thức uống phổ thông; giá bán luôn ổn định, dịp Tết thường thiếu trà để bán, ngày càng nhiều người sử dụng và không lo “được mùa mất giá” như nhiều sản phẩm nông nghiệp khác, vì trà bảo quản được nhiều tháng.

Nâng cao giá trị và thương hiệu trà Thái Nguyên ảnh 1

Hợp tác xã Chè La Bằng ở xã La Bằng, huyện Đại Từ đầu tư trồng giống chè mới có năng suất, chất lượng cao hơn giống chè truyền thống.

Thái Nguyên hiện đứng đầu cả nước về diện tích trồng chè với hơn 22 nghìn ha. Với giá bán ở mức cao, thị trường tiêu thụ ổn định, thương hiệu trà Thái Nguyên ngày càng được khẳng định với một sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia, 120 sản phẩm OCOP 3 và 4 sao, năm 2022 chè mang lại doanh thu 10.400 tỷ đồng cho các hợp tác xã và hàng chục nghìn hộ nông dân, cao nhất so với các cây trồng khác.

Cây chè đã góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến nay chỉ còn 4,3%, hơn 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Xác định chè là cây trồng chủ lực, thế mạnh, trong nhiều năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống chè theo hướng trồng mới, trồng thay thế, cải tạo những nương chè trung du già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao phục vụ chế biến chè xanh cao cấp, đặc sản; đồng thời chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn, hữu cơ bằng sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, công nghệ tưới tiết kiệm nước trong thâm canh chè.

Tăng diện tích, giá trị thương hiệu

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên Phạm Văn Sỹ giá trị từ chè mang lại chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng. Nguyên nhân là do nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất chè còn hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất; sản lượng chè đạt tiêu chuẩn quốc gia về hữu cơ còn thấp; sản xuất chè vẫn ở quy mô hộ gia đình là chủ yếu, một số tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã nhưng còn lúng túng trong khâu tổ chức sản xuất, chưa tạo ra khối lượng lớn sản phẩm đồng đều về chất lượng; chưa thu hút được các doanh nghiệp có tiềm lực lớn đầu tư sản xuất chè, nhất là sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao và chế biến sâu các sản phẩm từ chè.

Mặt khác, liên kết tổ chức sản xuất, mẫu mã, bao bì tại một số cơ sở sản xuất còn hạn chế, vẫn còn những cơ sở sản xuất, kinh doanh chè chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng về sử dụng nhãn hàng hóa, nhãn hiệu chè Thái Nguyên. Việc bảo hộ sản phẩm chè như một lợi thế và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế, còn hiện tượng giả danh chè Thái Nguyên cho nên ảnh hưởng đến uy tín và giá trị sản phẩm.

Quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm trà chưa thật sự hiệu quả, chưa có kênh phân phối gắn với quản lý chất lượng chè Thái Nguyên tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh phía nam. Diện tích chè tăng chậm, chưa gắn với phát triển du lịch.

Xác định xu hướng sử dụng đồ uống, nhu cầu thị trường, cơ hội và để nâng cao giá trị và thương hiệu trà, Tỉnh ủy Thái Nguyên ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về phát triển nông nghiệp; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 139/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với chính sách hỗ trợ về đào tạo, giống, phân bón hữu cơ, sinh học; chứng nhận VietGAP, hữu cơ; hỗ trợ cơ giới hóa, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước và thiết bị chế biến chè; hỗ trợ bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu, kết nối quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm chè.

Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị để lấy ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ, người tiêu dùng để phát triển thương hiệu trà Thái Nguyên.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo không chuyển mục đích đất trồng chè sang mục đích khác để bảo vệ diện tích chè đã có; rà soát quỹ đất, nguồn nước, chuẩn bị đầy đủ cây giống, phân bón, phấn đấu đến năm 2025 tăng diện tích chè lên 23.500ha, trong đó diện tích chè giống mới chiếm 85%; đồng thời triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, mẫu mã, tổ chức sản xuất, chế biến, quảng bá để tăng giá trị đạt bình quân 350 triệu đồng/ha chè/năm”.

Các cấp, ngành chức năng hướng dẫn người dân trồng chè đăng ký gắn mã số vùng trồng và quản lý mã số vùng trồng; mở rộng diện tích chè hữu cơ, chè sạch; ứng dụng chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, giao dịch điện tử; quản lý chất lượng, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm trà; liên kết, liên minh các hợp tác xã chè thống nhất áp dụng quy trình sản xuất tạo khối lượng lớn, sản phẩm chè đồng đều về chất lượng, mẫu mã; xây dựng các mô hình sản xuất, làng nghề chè gắn với du lịch trải nghiệm, sinh thái, di tích lịch sử, văn hóa, ẩm thực nhằm thu hút khách tham quan, mua sắm, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm trà nhằm nâng cao giá trị, thương hiệu trà Thái Nguyên để mang lại thu nhập, giá trị gấp đôi trong những năm tới, làm giàu cho nông dân.