Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình tiêu chuẩn và chất lượng Việt Nam (GQSP Việt Nam) được thực hiện bởi Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc và được tài trợ bởi Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) nhằm thúc đẩy thương mại và khả năng cạnh tranh để tăng tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tại sự kiện, đại diện Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, với tư cách là một tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc, trong 40 năm qua, đơn vị này đã hỗ trợ các quốc gia đối tác tăng khả năng cạnh tranh thông qua chất lượng và thuân thủ các tiêu chuẩn.
Qua đó, hỗ trợ phát triển các hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng thông qua các can thiệp để nâng cao năng lực quốc gia về tiêu chuẩn hóa, đo lường, đánh giá sự phù hợp, công nhận và giám sát thị trường, phát triển năng lực sản xuất, mở rộng cơ sở xuất khẩu, tăng đầu tư trong và ngoài nước.
Một trong những nỗ lực đó là sự hợp tác chiến lược giữa Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ trong việc thực hiện Chương trình tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu mà Việt Nam là 1 trong số 8 quốc gia được hưởng lợi.
Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo. |
Trong giai đoạn 1 vừa qua, chương trình đã cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực tuân thủ cho trái xoài và bưởi tại đồng bằng sông Cửu; đạt được một số kết quả quan trọng góp phần nâng cao năng lực của ngành xoài và bưởi để có thể đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu hiện đại.
Cụ thể, chương trình đã xây dựng và áp dụng các bộ quy trình thao tác chuẩn trong chuỗi xuất khẩu để áp dụng các mô hình xuất khẩu với tổng số 2.000 tấn xoài, bưởi đi các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU…
Hội thảo giúp phát triển và chuyển giao các công nghệ xử lý, bảo quản phù hợp doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, giúp kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch tăng lên đến 40 ngày đối với xoài, 120 ngày đối với bưởi, giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch 15%.
Cùng với đó là xây dựng hệ thống nhật ký đồng ruộng cho trái cây kết nối với cơ sở dữ liệu mã số vùng trồng (PUC) và mã số nhà đóng gói (PHC) quốc gia, tăng cường năng lực cho các trung tâm kiểm nghiệm…
Trưng bày trái cây tại Hội thảo “Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng chuỗi giá trị trái cây Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu”. |
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá tổng quan về tình hình tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của trái cây xuất khẩu Việt Nam, cũng như chia sẻ các kết quả của dự án “Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng trong chuỗi giá trị xoài và bưởi tại đồng bằng sông Cửu Long” giai đoạn 2020-2023.
Đồng thời, các đại biểu trao đổi các nội dung hoạt động, phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật nhằm phát triển ngành trái cây cho giai đoạn tiếp theo của dự án.
Dịp này, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giới thiệu giai đoạn 2 của dự án Chương trình tiêu chuẩn, chất lượng Việt Nam.
Giai đoạn 2 sẽ được xây dựng dựa trên kết quả của giai đoạn 1 kết hợp mở rộng quy mô, điều chỉnh các biện pháp can thiệp và mô hình đã phát triển cho nhiều trái cây nhiệt đới ở Việt Nam.
Mục tiêu của giai đoạn này là nâng cao khả năng cạnh tranh và tính bền vững của xuất khẩu trái cây nhiệt đới Việt Nam thông qua đổi mới, đa dạng hóa, cải thiện chất lượng và năng lực tuân thủ các tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu thị trường hiện đại.