Nhận diện những bất cập, hạn chế
Đắk Lắk hiện có 20 đảng bộ trực thuộc, với 705 tổ chức cơ sở đảng. Trong đó có 418 đảng bộ cơ sở và 287 chi bộ cơ sở; 13 đảng bộ bộ phận và 5.118 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với tổng số 85.867 đảng viên; có 15.835 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh có 184 xã, phường, thị trấn với 2.481 thôn, buôn, tổ dân phố, tất cả đều có chi bộ.
Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk Lê Nam Cao cho biết, thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, nhất là Kết luận số 18-KL/TW ngày 22/9/2017 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” trong tình hình mới và các hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch và thành lập các tổ công tác về dự sinh hoạt chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố.
Các đảng ủy, huyện ủy trực thuộc thành lập tổ công tác dự sinh hoạt chi bộ, đồng thời ban hành quy chế cụ thể về trách nhiệm của các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, Ban chấp hành tham dự sinh hoạt ở địa bàn phụ trách. Quá trình tham dự, các tổ công tác đã nhận diện tại nhiều chi bộ còn hạn chế về khâu tổ chức, thời gian sinh hoạt, nội dung sinh hoạt chưa sát chức năng, nhiệm vụ, không phù hợp đặc điểm tình hình địa phương. Nguyên nhân là do nhận thức của một số cấp ủy chi bộ, nhất là đồng chí bí thư cấp ủy trong việc điều hành sinh hoạt chi bộ còn thiếu sự đầu tư, quan tâm dẫn đến chất lượng sinh hoạt chưa đạt yêu cầu.
Trình độ, năng lực, phương pháp của một số đồng chí bí thư, cấp ủy viên còn thấp, chưa cụ thể hóa được các văn bản của cấp ủy cấp trên. Có nơi cấp ủy, chi bộ chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của loại hình chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố nói chung, tầm quan trọng của việc sinh hoạt chi bộ nói riêng trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh trật tự của địa phương cho nên chưa dành nhiều thời gian, công sức chuẩn bị dẫn đến chất lượng sinh hoạt còn thấp...
Đổi mới, nâng cao chất lượng
Các tổ công tác sau mỗi buổi tham dự đã nhận xét, đánh giá, góp ý cụ thể, chỉ rõ ưu điểm và thẳng thắn góp ý, chấn chỉnh những điểm chưa phù hợp; đồng thời hướng dẫn chi bộ đổi mới nội dung sinh hoạt sát với tình hình thực tế ở địa phương. Đặc biệt, trong các buổi sinh hoạt có tổ công tác cấp trên dự, chi bộ sẽ mời thêm bí thư, phó bí thư các chi bộ thôn, buôn lân cận tham dự, chứng kiến và phát biểu ý kiến nhận xét, liên hệ đến chi bộ mình… Hình thức sinh hoạt này có tác dụng như một buổi tập huấn, nhờ đó chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố ở Đắk Lắk ngày càng được nâng lên.
Đồng chí Nguyễn Xuân Mức, Bí thư Chi bộ thôn 2, xã Quảng Điền, huyện Krông Ana cho biết: “Được sự góp ý, hướng dẫn của tổ công tác cấp trên, những năm gần đây, các cuộc họp chi bộ đã đi vào nền nếp, đúng quy định và chất lượng ngày càng được nâng cao.
Trước các cuộc họp, cấp ủy đều thông tin trước về tình hình thời sự và những vấn đề nổi bật của địa phương, của tỉnh giúp đảng viên nắm rõ và chọn lọc vấn đề nổi bật nhất để thảo luận trong cuộc họp. Qua đó, vừa phát huy được tinh thần trách nhiệm của đảng viên, vừa xây dựng nghị quyết lãnh đạo của chi bộ sát với tình hình thực tế của địa phương, nhiều vấn đề cấp bách được giải quyết kịp thời”.
Theo Bí thư Huyện ủy Krông Ana, Nguyễn Kính, tất cả 72 chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố của huyện đều có tổ công tác cấp trên tham dự sinh hoạt góp ý, hướng dẫn; các khâu tổ chức sinh hoạt được thực hiện bảo đảm theo quy định; đặc biệt chất lượng sinh hoạt không ngừng được nâng lên. Trước đây, nội dung sinh hoạt còn sơ sài, chung chung thì hiện nay đã đi vào nền nếp; nội dung sinh hoạt đều gắn với giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống, sát với tình hình địa phương.
Từ việc góp ý, gợi mở của tổ công tác, nhiều chi bộ đã có cách làm hay, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt. Cụ thể, đối với chi bộ vùng dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo với số lượng đảng viên tại chỗ ít, ngoài số đảng viên tăng cường nơi khác về sinh hoạt, trong các cuộc họp thường kỳ chi bộ đã mời thêm một số thành viên Ban tự quản, trưởng các đoàn thể không phải là đảng viên cùng dự họp. Cách làm này đã tác động tích cực, phát huy vai trò, động viên các tổ chức chính trị-xã hội tham gia xây dựng đảng, phù hợp thực tế chi bộ có tính đặc thù; việc lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng cũng được trực tiếp và sát với thực tiễn địa phương hơn.
Một số chi bộ còn tạo nhóm Zalo để thông tin đến đảng viên về nội dung, chương trình sinh hoạt để đảng viên có thời gian nghiên cứu, nắm bắt thông tin trước khi diễn ra sinh hoạt chính thức, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt, nhất là trong việc thảo luận, tham gia ý kiến góp ý xây dựng nghị quyết.
Đồng chí Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, bằng nhiều biện pháp, cách làm phong phú, sáng tạo, đến nay chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn, buôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phương thức tổ chức, nội dung sinh hoạt nhiều chi bộ được đổi mới, mở rộng và phát huy dân chủ, nhất là việc thảo luận, quyết định những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi bộ; tạo được không khí cởi mở, chân thành để mỗi đảng viên bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình.
Đồng thời, các chi bộ đã đưa vào nghị quyết lãnh đạo những nhiệm vụ thiết thực, cụ thể tại địa phương. Nhiều chi bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thể hiện rõ vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo, tập hợp quần chúng thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, xây dựng buôn làng, quê hương ngày càng giàu đẹp.