Sáng 9/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.
Điều chỉnh, bổ sung dự toán là cần thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều bày tỏ nhất trí cao với những nội dung trong Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cho rằng việc điều chỉnh và bổ sung này là cần thiết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Về nội dung điều chỉnh vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, mặc dù việc điều chỉnh tại thời điểm cuối năm 2022 có khó khăn trong triển khai thực hiện giải ngân, nhưng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trả nợ sớm, giảm chi phí trả nợ.
Nêu vấn đề có những địa phương vay dư vốn, phải trả lại, còn có những địa phương vay thiếu vốn, đại biểu cho rằng, cần phân tích nguyên nhân lập dự toán không chuẩn, để có thể rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp khả thi, hữu hiệu cho tình trạng đầu tư cho vay, vay lại, trả lại vốn của các địa phương.
Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu trong phiên thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Về điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ làm rõ tại sao phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho 2 đơn vị này không bảo đảm theo quy định hằng năm mà lại đề xuất điều chỉnh vốn chi thường xuyên.
Có chung băn khoăn, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, đề nghị làm rõ tại sao điều chuyển nguồn chi thường xuyên để thực hiện chi đầu tư phát triển trong khi các dự án của Bộ Tài chính không có trong danh mục đầu tư công trung hạn. Liệu việc điều chỉnh lần này đã đủ tiền để thực hiện chi các dự án đó chưa, hay các năm sau lại tiến hành điều chỉnh tiếp, đây có phải là hiện tượng lách luật?
Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng chậm trễ trong điều chuyển vốn vay của năm 2022 của các địa phương; có địa phương như Bắc Kạn đề nghị từ tháng 4/2022, Phú Thọ đề nghị từ tháng 7/2022 nhưng công tác tổng hợp rất chậm, đặc biệt là chuyển nguồn kinh phí phòng, chống Covid-19 cũng rất muộn, đột xuất. Ngoài ra, việc các địa phương vay thừa, thiếu vốn cho thấy công tác lập, thẩm định chưa có chất lượng cao, chưa sát với thực tiễn…
Không có “ưu ái” trong phân bổ dự toán đối với ngành hải quan, ngành thuế
Giải trình một số ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về vấn đề bổ sung vốn viện trợ nước ngoài chưa có trong dự toán, đây là những khoản viện trợ không có dự toán trước, do các tổ chức nước ngoài tài trợ khi có những vấn đề nổi lên, thường là bất thường và nhỏ lẻ. Việc lập dự toán phải căn cứ trên báo cáo của các Bộ, ngành để thực hiện, dẫn đến bị động.
Theo Bộ trưởng, trong năm 2021, 2022 vừa qua, nguồn này chủ yếu tài trợ, ủng hộ cho việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Khi đó, tình hình hết sức cấp bách, đòi hỏi phải có phản ứng nhanh chóng, kịp thời, nên để bảo đảm quyền lợi, sức khỏe, tính mạng của nhân dân, có lúc đã phải thực hiện từ trước và hoàn thiện thủ tục sau, đáp ứng yêu cầu thực tế.
Về vấn đề điều chỉnh dự toán vay của nước ngoài, Bộ trưởng nêu rõ nếu đưa sang năm 2023 thì sẽ ảnh hưởng đến bội chi; việc điều chỉnh dự toán này nhằm bảo đảm tổng dự toán mà Quốc hội phê duyệt không thay đổi, dự toán về vay nước ngoài, không thay đổi.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số ý kiến đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Vừa qua, có một số tỉnh triển khai không hết nguồn vốn, phải trả lại, một số tỉnh thiếu, cần thêm nguồn vốn. Bộ Tài chính đã tổng hợp dữ liệu từ các tỉnh để đề xuất có sự điều chỉnh phù hợp, trình Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm sự phát triển cân bằng, bền vững của các tỉnh, địa phương trên cả nước.
Liên quan đến điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, về mặt nguyên lý, tiết kiệm được chi thường xuyên để đưa vào chi đầu tư phát triển là một định hướng tốt, phù hợp với bản chất của quản lý và điều hành. Việc tại sao dự toán từ đầu năm không đưa vào đầu tư công là do nhu cầu đầu tư nhiều mà nguồn vốn bố trí đầu tư công ngay từ đầu năm hay đầu nhiệm kỳ cũng có những hạn chế.
Trả lời câu hỏi về việc phân bổ dự toán có sự ưu ái đối với ngành hải quan, ngành thuế hay không, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, chế độ đặc thù của các Bộ, ban ngành sẽ thay đổi theo chính sách tiền lương mới, nên việc điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan không phải là sự thiên vị.
Theo Bộ trưởng, hiện nhiều tỉnh có xuất, nhập khẩu lớn muốn đặt các chi cục hải quan ở đấy; tuy nhiên, muốn đặt chi cục hải quan thì phải có trụ sở, đồng nghĩa với việc phải bố trí vốn. Bộ Tài chính có thể có thiết bị, có thể bố trí được người nhưng không bố trí được trụ sở, bởi vì trụ sở thì phải có vốn đầu tư công.
“Chúng tôi cố gắng phối hợp để bảo đảm làm thế nào cơ sở vật chất của ngành hải quan và thuế hiện đại lên để phục vụ cho vấn đề điều hành và quản lý tài khóa tốt nhất. Với những cơ sở vật chất không sử dụng các huyện và các chi cục lại thì chúng tôi chuyển về cho địa phương để địa phương bố trí cho các cơ quan hành chính” - Bộ trưởng nói.