Nâng cao chất lượng đào tạo, tạo việc làm bền vững cho người lao động

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có mức thu ngân sách cũng như đóng góp vào GDP cao nhất cả nước. Do đó, Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2025 của chính quyền thành phố chú trọng vào chiến lược đầu tư cho đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Đây được xem là một trong những chương trình trọng tâm nhằm nâng cao khả năng hội nhập và tạo việc làm bền vững cho người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Trường cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh được đào tạo các chương trình chú trọng thực hành và nâng cao kỹ năng nghề.
Sinh viên Trường cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh được đào tạo các chương trình chú trọng thực hành và nâng cao kỹ năng nghề.

Chiến lược đầu tư cho đào tạo nghề

Năm học 2023-2024, Trường cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh bốn ngành là cơ khí, điện công nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm với chỉ tiêu khoảng 3.000 sinh viên. Đây là những ngành nghề gắn với bốn ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố, nhằm đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thành phố Hồ Chí Minh, cũng là thế mạnh về công tác đào tạo nghề của nhà trường.

Bà Hồng Thị Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Thực hiện xu hướng hội nhập quốc tế trong giáo dục dạy nghề, trường đã tham gia Dự án hợp tác ngành chiến lược (SSC) - Dự án đào tạo nghề Việt Nam - Đan Mạch. Mục tiêu đạt được trong hoạt động dự án là thu hút và giữ được doanh nghiệp tham gia Hội đồng kỹ năng nghề địa phương. Từ dự án SSC, qua ba khóa học gần đây, đã có gần 100 sinh viên của trường tốt nghiệp và có việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo.

Ngoài ra, Trường cao đẳng nghề thành phố hợp tác với EnglishScore thuộc sở hữu của Hội đồng Anh - hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các bài kiểm tra và chứng chỉ tiếng Anh trên điện thoại thông minh, trình độ theo chuẩn khung châu Âu (CEFR) từ A2 đến C1, để đánh giá và cấp chứng chỉ EnglishScore cho sinh viên, học sinh nhằm đạt chuẩn đầu ra theo quy định.

“Như vậy, hiệu quả từ các chương trình đào tạo, giảng dạy cho sinh viên thông qua các mô hình giáo dục tiên tiến, gắn với vai trò cộng hưởng của doanh nghiệp chính là “đầu ra” với các vị trí, việc làm phù hợp đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động ngày càng gắt gao hơn”, bà Thủy chia sẻ.

Đào tạo nhân lực gắn với xu thế phát triển

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2025 của Ủy ban nhân dân thành phố đặt mục tiêu sẽ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực trọng điểm, gồm: lĩnh vực công nghệ thông tin, cơ khí-ô-tô, cơ điện tử, tự động hóa, điện-điện tử, logistics, du lịch, xây dựng, công nghệ môi trường. Thành phố sẽ xây dựng, quản lý mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đa dạng về loại hình và trình độ đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp.

Thành phố cũng xây dựng các giải pháp đào tạo nghề chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm nâng tầm kỹ năng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo trên địa bàn đến cuối năm 2025 đạt 87% tổng số lao động đang làm việc và đến năm 2030 là 89%.

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Nhu cầu nhân lực của thành phố đến giai đoạn 2025-2030 được xác định gắn với xu thế phát triển các ngành kinh tế trọng điểm; chuyển đổi số; ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học và công nghệ; phát triển thương mại theo hướng thương mại dịch vụ. Bên cạnh đó, chiến lược đầu tư cho việc đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cũng cần được xem là một trong những trọng tâm của chương trình.

“Các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy những người lao động được đào tạo và giáo dục nghề nghiệp có khả năng được tuyển dụng, thu nhập và sự hài lòng trong công việc cao hơn so với những người không được đào tạo như vậy”, Tiến sĩ Vũ nhận định.

Trong xu thế và bối cảnh hiện nay, lực lượng lao động có kỹ năng sẽ quyết định tới năng suất lao động của chính người lao động và doanh nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng GRDP của thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có chiến lược bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động gắn với những yêu cầu liên quan đến hội nhập như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ...

Thạc sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh dự báo: Tính toán nhu cầu giai đoạn 2023-2030, thành phố cần 310.000-330.000 việc làm mỗi năm (135.000-140.000 việc làm mới); trong đó ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, bảo đảm nhu cầu lao động chất lượng cao cho chín ngành dịch vụ, bốn ngành công nghiệp chủ lực (cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa; điện tử và công nghệ thông tin; chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế; hóa chất-hóa dược và mỹ phẩm).

Tuy nhiên, dự báo xu hướng phát triển thị trường lao động Việt Nam trong những năm tới sẽ nổi lên bốn xu hướng phát triển chính: gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế; xu hướng lao động “khởi nghiệp, tự tạo việc làm” gia tăng.

Do đó, Thạc sĩ Trần Anh Tuấn khuyến nghị, việc đầu tư máy móc, tự động hóa sản xuất và ứng dụng công nghệ số sẽ dần phổ biến và làm thay đổi hình thức việc làm trên thị trường lao động. Động thái trên cũng bắt nguồn từ sự dịch chuyển sang thời kỳ chuyển đổi số của Việt Nam và sẽ trở thành xu thế chủ đạo trong thời đại số hóa hiện nay.

Theo thông tin từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, đến năm 2030, tổng nhu cầu nhân lực dự báo bốn ngành Công nghiệp trọng yếu là 21%, tương ứng khoảng 65.100-69.300 việc làm, trong đó ngành điện tử-công nghệ thông tin dự kiến chiếm cao nhất: 8% (24.800-26.400 việc làm).