Hôm nay (14/9), bà Hoa nhận được chăn, gạo, dầu ăn và mấy đồ dùng thiết yếu. Bà mếu máo bảo, nhà mất sạch chẳng còn gì, giờ bùn ngập nhà, không biết tháng nữa có dọn được nhà không. “Mất sạch rồi, cô ạ. Chưa bao giờ khổ như thế”, người phụ nữ run run bờ vai, nghẹn ngào.
Anh Nguyễn Duy Sơn (thôn Bái Dương, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái), nhà sát vách thôn cũng vừa lội bùn đi nhận quà cứu trợ. Chỉ vào ngôi nhà 3 tầng của mình, anh bảo, đêm 10/9, nước ngập nhanh hết tầng 1, lên mái tôn. Mấy ngày chạy đồ nhà nhưng cũng không xuể, lại còn giúp hàng xóm chèo thuyền ngược dòng xoáy ra viện, anh bảo đến đêm nước dâng cao ngập tầng 1 là kiệt sức.
Bà con vượt sình lầy đến nhận quà cứu trợ của các mạnh thường quân. |
Chỉ ra phía bờ sông Hồng cách nhà vài trăm mét, anh Sơn nói: “Gò Chùa nổi tiếng cao nhất dải bờ sông, trước chỉ ngập 1m mà trong trận lụt này ngập cao 3m. Cả thôn có hơn 200 nhà, chỉ có 8 nhà không chìm. Điện chưa có, nước sạch cũng thiếu. Mấy ngày qua chỉ sống bằng mì tôm và sữa”.
Nhà nằm sát bên sông Hồng, cơn nước lớn đổ xuống không theo dòng chảy mà tràn ngập ra hai bên đê, chừng 2 tiếng sau nuốt gọn toàn bộ thôn Bái Dương. Toàn bộ đồ tầng 1 bị ngập, nhưng với anh Sơn, điều ấy không “đau” bằng hơn một mẫu dàn trồng hoa màu vẫn chìm sâu trong biển nước. “Mất cả trăm triệu, xót xa lắm, chẳng biết bao giờ mới phục hồi”, anh Sơn thẫn thờ nói.
Căn nhà phía sau anh Nguyễn Duy Sơn ngập đến sát mép tầng 2. |
Ngày hôm nay, bà con ở thôn Dương Bái nhận được gạo, chăn, ga, màn, và nhiều đồ dùng thiết yếu từ nhiều các nhà hảo tâm. Từ 5 giờ sáng nay, các thành viên của tổ chức Peace Winds Japan và ông Sugi Ryotaro (cố vấn đặc biệt về hành chính y tế của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản) mang theo 1.000 phần quà (chăn+màn); 2 tấn gạo; 17 thùng dầu ăn; 12 thùng nước mắm và nhiều nhu yếu phẩm khác đã theo hành trình tiến thẳng về Yên Bái, trao tặng quà cho bà con ở 4 vùng bị thiệt hại nặng nề sau cơn lũ gồm thôn Bái Dương, TP Yên Bái; thôn Phúc Đình, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên; xã Mỏ Vàng; Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên.
Bùn lầy tạo những vũng sình mút chặt bánh xe, nhiều xe bị sa lầy. Mọi con đường lên các điểm cần cứu trợ phải nhích từng bước một, hoặc phải đi đường vòng.
Bà con nhận quà cứu trợ từ phía tổ chức. |
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Bí thư thường trực huyện Trấn Yên, nước đầu nguồn dâng cao gây lũ tại sông Hồng với đỉnh lũ là 35,73 (trên báo động cấp 3 là 3,73m), cao hơn đỉnh lũ của năm 1968, 2008, gây ảnh hưởng và thiệt hại đến các công trình công cộng, nhà dân và diện tích sản xuất nông nghiệp tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Toàn huyện có 4 người chết, 3 người bị thương; thiệt hại 69 ngôi nhà; 3 nhà phải di dời khẩn cấp.
Huyện bị vỡ, sạt 5 tuyến đê chống lũ trên địa bàn huyện tại các xã Nga Quán, Việt Thành, Minh Quân, Thị trấn Cổ Phúc. Điều nguy hiểm lúc này là đồi Đá Cháy ở xã Việt Thành đang nứt làm đôi, có nguy cơ sạt lở. Các hộ dân quanh đồi đã được di chuyển đến nơi an toàn.
Bà con Bái Dương đang vật lộn giữa bùn để tái thiết cuộc sống mới. Dưới cơn nắng sau bão, mùi hôi của rác và bùn non khiến mọi người phải đeo khẩu trang.
Người dân TP Yên Bái đang cố gắng tái thiết lại cuộc sống sau cơn lũ lịch sử cao 2,5m tại đây. |
Ngược từ Bái Dương, chúng tôi lên Trấn Yên, Văn Yên. Bà con lục tục kéo nhau từ trên đồi cao về rửa dọn nhà cửa. Nhà có gì hong được, mang ra sân phơi hết, từ sách vở, quần áo, bàn ghế... cho đến đồ điện lạnh như tủ lạnh, máy giặt... Nhận quà của các nhà hảo tâm, bà con rưng rưng xúc động. Ai cũng đau đáu khi nhà cửa chẳng còn gì đáng giá sau cơn lũ lịch sử.
Tại trung tâm thành phố Yên Bái, đoạn đường Thanh Niên kéo dài gần 3km ngập trong bùn đặc quánh. Vết nước ngập cao 2,5m còn in hằn trên tường nhà. Nhiều ngày dọn dẹp, nhiều người mệt mỏi, thất thần, bất lực nhìn đống bùn dầy đặc thành từng khối. Xác gà, vịt, cá trôi nổi, quện với bùn, bốc mùi ngạt thở. "Chắc còn phải mất 10 ngày nữa, may ra mới khô được đống bùn này để dọn dẹp", anh Hà Đức Mậu nói.
TP Yên Bái ngổn ngang sau cơn lũ lịch sử. |
Tại Văn Yên, tang thương nhất là nhà ông Lý Văn Khuyến (thôn Khe Bốn). Chập choạng chiều tối 10/9, mưa như trút nước khiến quả đồi sau nhà ông nhanh chóng bị lở. Đất đá đổ sập, vùi căn nhà cấp 4 chỉ trong tích tắc. Ông Khuyến vốn tai biến nặng, kịp thời được con kéo ra khỏi chỗ bùn lầy được đưa đi cấp cứu kịp thời; nhưng 2 người trong nhà ông, trong đó có vợ ông và một lái xe bị vùi lấp hoàn toàn.
Chiều 14/9, tổ chức Peace Winds Japan đã thăm hỏi gia đình ông Khuyến. Đoàn Tạp chí Kinh tế Môi trường cũng đã đại diện cho các mạnh thường quân và cán bộ phóng viên tòa soạn tới trao nhu yếu phẩm cần thiết tại xã Yên Thái, Văn Yên, Yên Bái và dành một phần thăm hỏi đặc biệt tới gia đình ông Khuyến.
Đoàn Tạp chí Kinh tế Môi trường thăm hỏi gia đình ông Khuyến. |
Sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con về mặt sức khỏe
Theo bà Đặng Thị Hiền, đại diện cho tổ chức Sugi Ryotaro tại Việt Nam và tổ chức Peace Winds Japan cho biết, ngay sau khi biết Việt Nam đang bị thiệt hại nặng nề bởi bão lũ, các thành viên tổ chức đã lên kế hoạch để tổ chức hoạt động hỗ trợ cho bà con vùng lũ lụt.
“Chúng tôi đã khảo sát nhu cầu cần đồ dùng thiết yếu của người dân địa phương để lựa chọn nhu yếu phẩm phù hợp là gạo, dầu ăn, chăn, màn… Ngoài trao quà cho người dân ở các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão lũ, chúng tôi còn khảo sát về vấn đề sức khỏe của người dân địa phương để có phương án quay lại hỗ trợ khám, điều trị”, bà Hiền cho hay.
Tổ chức Peace Winds Japan và Sugi Ryotaro tại Việt Nam ngoài tặng quà, còn khảo sát tình hình của địa phương để có kế hoạch quay lại hỗ trợ về mặt y tế cho địa phương. |
Ông Nobuyuki Harita, Giám đốc “Dự án bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân Việt Nam" chia sẻ, ở Nhật Bản hàng năm cũng đối diện với nhiều bão, lũ nhưng lần đầu tiên cảm thấy được cơn bão này ảnh hưởng quá lớn tới các tỉnh phía bắc Việt Nam. Ông cảm động với tinh thần chuẩn bị của các thành viên dự án và tinh thần tương thân, tương ái của người dân Việt Nam.
Vì thế, với tinh thần mong muốn được góp sức nhỏ bé hỗ trợ người Việt Nam, ông cùng các cộng sự đã tìm hiểu về nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân tại địa bàn chịu ảnh hưởng lũ lụt. Bên cạnh đó, đoàn cũng khảo sát nguyên nhân, nhu cầu về điều trị bệnh của người địa phương để có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ.
Bà Hiền cho hay, qua trao đổi với lãnh đạo xã và được biết địa phương đang thiếu ủng dài, giấy vệ sinh, đồ trẻ em… Vì thế, tổ chức sẽ sớm quay trở lại đây, mang những nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết yếu nhanh nhất cho người dân tại đây.
"Về y tế, chúng tôi sẽ sẵn sàng hỗ trợ các nhân viên y tế từ phía Nhật Bản để hỗ trợ thăm khám cho bà con có thể mắc phải những bệnh truyền nhiễm sau bão, lũ", bà Hiền nói.
Cũng trong ngày hôm nay, tổ chức Peace Winds Japan và Sugi Ryotaro tại Việt Nam đã trao tặng cho lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Yên Bái 100 hộp thuốc phun muỗi để phòng bệnh sốt xuất huyết sau mưa lũ.
Đoàn tài trợ Nhật Bản trao tặng 100 hộp thuốc diệt muỗi cho Sở Y tế tỉnh Yên Bái. |
Bà Lê Thị Hồng Vân, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái gửi lời cảm ơn các chuyên gia y tế của “Dự án bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân Việt Nam" đã khám tầm soát cho 300 người tại Nghĩa Lộ, Yên Bái hồi tháng 8/2024. Tại buổi gặp mặt, Sở Y tế Yên Bái cũng trao tặng Bằng khen cho ông Nobuyuki Harita, Giám đốc Dự án và bà Đặng Thị Hiền, đại diện cho tổ chức Sugi Ryotaro tại Việt Nam.