Nam Định “gỡ khó” trong giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án lớn

NDO -

Ngày 13/5, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Nam Định giai đoạn 2022-2025 tổ chức hội nghị, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua. Nhiều ý kiến đã được các lãnh đạo tỉnh, huyện nêu ra để “gỡ khó” trong công tác được xem là rất phức tạp này.

Thi công dự án đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ-Ninh Bình, đoạn qua huyện Nghĩa Hưng.
Thi công dự án đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ-Ninh Bình, đoạn qua huyện Nghĩa Hưng.

Năm 2021, Nam Định tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm. Đây là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến việc tỉnh có bước nhảy vọt về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), vươn lên vị trí thứ 24, tăng 16 bậc so năm 2020 để lọt vào nhóm địa phương có PCI khá của cả nước.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng số dự án đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh là 44 dự án, tổng diện tích khoảng 1.106 ha, số hộ bị ảnh hưởng là 8.239 hộ. Trong đó, có 5 dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng với diện tích 16,94 ha, số tiền hỗ trợ đã chi trả là 30,5 tỷ đồng; 13/39 dự án đã giải phóng mặt bằng một phần với tổng diện tích 447,4 ha, liên quan 4.072 hộ, số tiền đã chi trả khoảng 596 tỷ đồng.  

Về dự án đầu tư công, Nam Định hiện có các dự án trọng điểm gồm: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; kênh nối Đáy-Ninh Cơ; đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ-Ninh Bình giai đoạn 2; đường trục phía nam thành phố Nam Định và dự án khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử-văn hóa thời Trần.

Về các dự án trọng điểm đầu tư ngoài ngân sách, có cụm dự án của tập đoàn Xuân Thiện (huyện Nghĩa Hưng); khu công nghiệp Mỹ Thuận (huyện Mỹ Lộc); khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng (huyện Vụ Bản) và cụm công nghiệp Yên Bằng (huyện Ý Yên).

Tại hội nghị, bên cạnh những dự án triển khai tốt, các đại biểu tập trung làm rõ nguyên nhân khiến tiến độ giải phóng mặt bằng của một số dự án còn chậm, chẳng hạn tuyến đường bộ ven biển, kênh nối Đáy-Ninh Cơ hay cụm công nghiệp Yên Bằng. 

Trong đó, các khó khăn chủ yếu được chỉ ra là việc xác định nguồn gốc đất, giá đất cụ thể để bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; công tác quản lý quỹ đất công ích tại một số địa phương chưa bảo đảm theo đúng quy định, gây khó khăn cho việc thanh lý hợp đồng thuê đất công ích; tình hình đơn thư kiến nghị, khiếu nại liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng ở một số nơi còn diễn biến phức tạp…

Để “gỡ khó” cho công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Nam Định, đồng chí Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần xác định giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác này.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần tập trung tuyên truyền về vai trò của công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sai phạm; kiên quyết không để phát sinh “điểm nóng”.

Đồng chí Phạm Gia Túc khẳng định, việc thực hiện công khai, minh bạch đúng, đủ quy trình giải phóng mặt bằng là yếu tố quan trọng nhất để bảo đảm tiến độ các dự án. Mỗi quý, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng tỉnh sẽ họp 1 lần để kiểm điểm công tác; đồng thời phân công cụ thể cá nhân phụ trách các dự án trọng điểm để thuận tiện cho việc kiểm tra, báo cáo.