Đánh giá về những kết quả ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định: Năm 2024, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó có yếu tố tác động mạnh của biến động thị trường, của thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán, mưa bão tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh, thành phố phía nam, bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại nặng nề…
Mặc dù vậy, với tinh thần "kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững", cùng với nỗ lực vượt khó đương đầu với mọi thử thách, thích ứng với mọi thay đổi, ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ: Giá trị sản xuất (GO) toàn ngành đạt mức tăng khoảng 3,3%, tỷ lệ che phủ rừng 42,02%, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới ước đạt 78,7%, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 58%, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt mức kỷ lục khoảng 62,5 tỷ USD…
“Thành tựu trong gian khó của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2024 đã tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ, điểm tựa của nền kinh tế đất nước, bảo đảm an sinh xã hội quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu và sẵn sàng phát huy lợi thế để cùng với đất nước bước vào kỷ nguyên mới’, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Rau quả là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, hiện có mặt trên hơn 60 thị trường. Nhiều sản phẩm chủ lực như xoài, chuối, sầu riêng… và đang đứng thứ nhì về xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường rau quả lớn nhất thế giới.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2023, rau quả tăng trưởng xuất khẩu 67%. Năm 2024, tiếp đà tăng trưởng 27%. Ngoài sản phẩm tươi, rau quả Việt Nam còn xuất khẩu nhiều mặt hàng chế biến, chế biến sâu.
Rau quả là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, hiện có mặt trên hơn 60 thị trường. (Ảnh Nongnghiep.vn) |
“Kết quả xuất khẩu 7,2 tỷ USD của năm 2024 là do sự tích lũy thành quả của các năm trước. Các loại cây ăn quả đa số đều cần thời gian đầu tư dài, từ 3-5 năm. Số lượng rau quả xuất khẩu chính ngạch ngày càng tăng. Thí dụ, Trung Quốc hiện cấp phép 15 mặt hàng rau quả, góp phần những sản phẩm như sầu riêng, chuối, dừa… tăng trưởng tích cực”, ông Bình khẳng định.
Thị phần của rau quả Việt Nam tiếp tục tăng, chẳng hạn từ vị trí thứ 3 lên thứ 2 ở Trung Quốc, hay Hoa Kỳ tăng trưởng hơn 30%, Thái Lan tăng hơn 80%.
Các hoạt động xúc tiến thương mại về rau quả được các cấp, các ngành, hiệp hội ngành hàng ngày càng quan tâm, đầu tư. Kết hợp với 16 FTA thế hệ mới, ngành rau quả ngày nay có rất nhiều cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng.
Về xuất khẩu thủy sản ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2024 vượt mốc 10 tỷ USD. Đây là thành quả của nỗ lực từ cộng đồng doanh nghiệp, nông dân, sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thủy sản Việt Nam hiện đã có mặt trên 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, đáng chú ý là ngành hàng tôm với 4 tỷ USD; cá tra là 2 tỷ USD; các mặt hàng biển như cá ngừ, mực, bạch tuộc khoảng 4 tỷ USD.
Tăng cường hợp tác phát triển nông nghiệp bền vững
Đánh giá về những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết khá ấn tượng với những con số, “kỳ tích” của ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm qua. Theo đó, ngành nông nghiệp nổi bật với con số ấn tượng về tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức tăng 18,7% trong bối cảnh kinh tế thế giới có đầy thách thức, cạnh tranh, xung đột, gia tăng giá logistics, năng lượng.
“Nhìn tổng con số xuất siêu là gần 25 tỷ USD, trong đó xuất siêu nông sản đạt 17,9 tỷ USD, chiếm 72% tổng xuất siêu cả nước, khẳng định sự phát triển của ngành nông nghiệp và vai trò trụ đỡ đối với ngành kinh tế, vừa là nền tảng thiết yếu cho an sinh xã hội và nguồn lực mang lại ngoại tệ cho đất nước”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ.
Từ góc độ đối ngoại, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá nông nghiệp là thế mạnh hàng đầu để nâng cao vai trò, vị thế, trách nhiệm của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu. Trong quan hệ song phương, đa phương, ngành nông nghiệp là niềm tự hào của Việt Nam về tăng trưởng và phát triển.
Trong khuôn khổ G20, các quốc gia thành viên cũng mong muốn Việt Nam chia sẻ, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu về bảo đảm an ninh lương thực. Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng, để đạt được thành tựu này cần có nỗ lực, quyết tâm, ý chí toàn ngành, địa phương và doanh nghiệp, ngoài ra, nhấn mạnh vai trò của công tác đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao.
“Trong tất cả các hoạt động đối ngoại cấp cao, các nội dung hợp tác về nông nghiệp, thúc đẩy mở cửa thị trường cho sản phẩm nông sản của Việt Nam, thúc đẩy hợp tác về chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ luôn được Thủ tướng quan tâm hàng đầu và tích cực thúc đẩy trong các hoạt động thời gian vừa qua”, lãnh đạo Bộ Ngoại giao chia sẻ.
Thủy sản Việt Nam hiện đã có mặt trên 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. (Ảnh Nongnghiep.vn) |
Năm 2025, ngành nông nghiệp sẽ là ngành bị tác động đầu tiên trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, xu hướng mới về bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, thách thức về an ninh phi truyền thống…
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, sản phẩm chuỗi cung ứng nông sản, có kế hoạch cụ thể đưa sản phẩm vào các thị trường tiềm năng bên cạnh các thị trường lớn như Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi, Nam Á…
Bên cạnh đó, cần thiết lập, đẩy mạnh khuôn khổ hợp tác, thúc đẩy hợp tác mở cửa thị trường, thúc đẩy nông nghiệp thông minh, xanh, tuần hoàn, với tinh thần, lợi ích hài hòa giữa các quốc gia, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau đạt được lợi ích. Ngoài ra, chỉ đạo quyết liệt, tạo ra tư duy đột phá trong xúc tiến thị trường đối với sản phẩm Halal.
Xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2025 dự kiến đạt 130 tỷ USD
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cũng đề nghị hai Bộ phối hợp nhằm thúc đẩy đóng góp trách nhiệm của Việt Nam vào các vấn đề toàn cầu. Quảng bá, xúc tiến hình ảnh nông sản Việt Nam ở nước ngoài, cần đi vào tổng thể, bài bản và tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành trong vấn đề này.
Trong năm 2025, bà Hằng cũng đề nghị hai bên xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm thúc đẩy ngoại giao phát triển nông nghiệp bền vững.