Năm 2023, An Giang kỷ luật 30 tổ chức đảng và 304 đảng viên

NDO - Ngày 11/1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang tổ chức “Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Theo báo cáo, trong năm 2023, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra, giám sát 1.354 lượt tổ chức đảng, 36.748 lượt đảng viên; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 21 tổ chức đảng, 89 đảng viên (phải thi hành kỷ luật 11 tổ chức đảng, 74 đảng viên); thi hành kỷ luật 30 tổ chức đảng (khiển trách 22, cảnh cáo 8), 304 đảng viên (khiển trách 193, cảnh cáo 80, cách chức 10, khai trừ 21).

Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát 172 tổ chức đảng; kiểm tra việc thi hành kỷ luật 6 tổ chức đảng; giải quyết tố cáo 7 đảng viên (phải thi hành kỷ luật 3 đảng viên)…

Nội dung vi phạm chủ yếu về việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận, hướng dẫn của Đảng; việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; giữ gìn đoàn kết nội bộ; thực hiện dân chủ trong Đảng.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang biểu dương và đánh giá cao những kết quả ngành Kiểm tra Đảng tỉnh đạt được trong năm 2023.

Năm 2023, An Giang kỷ luật 30 tổ chức đảng và 304 đảng viên ảnh 1

Đồng chí Lê Hồng Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra, giám sát của tỉnh còn một số hạn chế như: Việc nắm tình hình, kiểm tra, giám sát ở một số địa bàn, lĩnh vực đôi lúc chưa kịp thời; công tác tự kiểm tra, phát hiện vi phạm ở một số cấp ủy trực thuộc còn hạn chế, dẫn đến nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ chốt vi phạm pháp luật, bị khởi tố, điều tra, xử lý.

Công tác phối hợp giữa ủy ban kiểm tra các cấp với các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có lúc chưa đồng bộ.

Đồng chí đề nghị, trong năm 2024, cần tập trung phân tích, xác định nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra.

Các nội dung trọng tâm như các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu phải nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

Tiếp tục quán triệt phương châm "giám sát phải mở rộng" để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo phòng ngừa vi phạm từ sớm; không để khuyết điểm, vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, lan rộng dẫn đến vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước.

Kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm; xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm không có ngoại lệ; tập trung vào các địa bàn, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm, nội bộ mất đoàn kết, dư luận xã hội quan tâm.

Thực hiện nghiêm Quy định số 131, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; rà soát, điều chỉnh, bổ sung văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng.

Tăng cường phối hợp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra đối với các vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; kịp thời tham mưu, báo cáo những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên để có biện pháp xử lý, giáo dục, phòng ngừa chung.