Định hướng xây dựng, phát triển đất nước-lý luận và thực tiễn

Thực hiện quy chế dân chủ phải là công việc thường xuyên, liên tục

Trong bài viết “Ðẩy mạnh xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đăng trong cuốn sách Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới.
0:00 / 0:00
0:00
Cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)
Cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Trong bài viết, Tổng Bí thư đã khái quát những yêu cầu đặt ra và kết quả hơn 20 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tổng Bí thư khẳng định, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, đất nước; góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, hương ước, quy ước; góp ý xây dựng Ðảng, chính quyền, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư.

Bầu không khí dân chủ trong Ðảng, trong xã hội được mở rộng hơn. Nhiều khó khăn trong quá trình phát triển được nhân dân bàn bạc, tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả...

Thực tế những năm gần đây, Ðảng ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo mang tính chiến lược liên quan đến công tác dân vận, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ tại từng địa phương, cơ quan, đơn vị, hướng đến thực chất và hiệu quả.

Tại thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, người dân thường xuyên được tham gia các cuộc họp lấy ý kiến để thống nhất và quyết định các công việc liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri; đối thoại giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, những kiến nghị, đề xuất của nhân dân, những khó khăn, bức xúc ở cơ sở đều được tổng hợp và chỉ đạo giải quyết. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp tiếp tục duy trì vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, triển khai và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Ngay từ đầu năm, Thường trực Ban chỉ đạo Quy chế dân chủ thành phố đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành kế hoạch thực hiện. Trên cơ sở đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các chi bộ, đảng bộ trực thuộc Thành ủy cụ thể hóa vào chương trình công tác năm.

Các đồng chí thành viên trong Ban chỉ đạo căn cứ nhiệm vụ và địa bàn được phân công, chủ động, thường xuyên sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình, giám sát địa phương thực hiện Quy chế dân chủ; đồng thời, giúp cấp ủy, chính quyền và Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ các phường và cơ quan giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đều được địa phương thực hiện công khai, dân chủ. Nhân dân tham gia ý kiến được các cấp chính quyền quan tâm lắng nghe, tạo điều kiện; giải quyết kịp thời những vụ việc trong nhân dân, không để bức xúc trở thành điểm nóng, không có đơn thư khiếu nại tố cáo kéo dài vượt cấp. Các nội dung nhân dân bàn và quyết định như chủ trương đóng góp, mức đóng góp một phần hay toàn bộ, các dự án phúc lợi như công trình văn hóa khu phố, đường giao thông nông thôn, kinh phí cho tổ vệ sinh môi trường, kinh phí hỗ trợ nông nghiệp, đều được các địa phương thực hiện công khai dân chủ, đúng quy định của pháp luật.

Qua khảo sát, tổ dân vận khu dân cư đã làm tốt công tác vận động quần chúng ở cơ sở, nhất là phong trào dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, và cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Ðáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, bảo đảm giữ vững sự ổn định của đất nước, nhất là từ cơ sở và chính ở cơ sở vẫn luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu đối với cả hệ thống chính trị.

Ðẩy mạnh thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, của người đứng đầu, của tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân, với 5 nhóm nhiệm vụ cụ thể đã được Tổng Bí thư chỉ rõ. Theo đó, nơi nào đã làm tốt rồi thì cần duy trì và làm tốt hơn; nơi nào làm chưa tốt hoặc chưa đáp ứng yêu cầu thì phải đôn đốc, chấn chỉnh, giúp đỡ để thực hiện tốt dần lên. Phải làm sao để việc thực hiện Quy chế dân chủ và phát huy dân chủ trở thành công việc thường xuyên, liên tục, là động lực phát triển kinh tế-xã hội, là điều kiện để chăm lo tốt hơn đời sống, lợi ích, hạnh phúc của nhân dân.