Năm 2022, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD

NDO -

Ngày 11/3, tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị phát triển ngành tôm và ký quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2022 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 28 tỉnh, thành phố ven biển có nuôi tôm…

Quang cảnh Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2022.
Quang cảnh Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2022.

Mặc dù chịu ảnh hưởng khá nặng nề do đại dịch Covid-19 nhưng diện tích nuôi tôm nước lợ vẫn đạt 747.000 ha, bằng 100,9% so với năm 2020; trong đó diện tích nuôi tôm sú là 626.000 ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 121.000 ha. Sản lượng tôm nuôi các loại năm 2021 đạt 970.000 tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, tôm sú 265.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 655.000 tấn, còn lại là tôm khác.

Các cơ sở nhập khẩu 240.273 con thẻ chân trắng bố mẹ, bằng 95,1% so với năm 2020 và 532 con tôm sú bố mẹ, bằng 100% so với năm 2020. Trong nước sản xuất được 21.000 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 20.000 con tôm sú bố mẹ, bằng 100% so với năm 2020. Cả nước có 2.063 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ; sản lượng tôm giống gần 145 tỷ con, tăng 11 % so với cùng kỳ năm 2020.

Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2021 đạt 3,9 tỷ USD tăng 5,4% so với năm 2020. Hơn 500 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm đến 103 thị trường; trong đó 8 thị trường xuất khẩu tôm chính của Việt Nam như:  Mỹ, CPTPP, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Nga và Đài Loan (Trung Quốc). Riêng trong 2 tháng đầu năm 2022, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh là khoảng 187 ha, giảm 21,2% so với cùng kỳ năm 2021. Đó là nhờ khâu quản lý tôm giống tốt nên hạn chế được dịch bệnh.

Tại Hội nghị, hàng loạt những hạn chế, khó khăn ảnh hưởng đến nghề nuôi tôm tại các địa phương đã được đưa ra phân tích như: Những bất cập trong quản lý tôm giống, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước; tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi tôm; hạ tầng vùng nuôi chưa bảo đảm; công nghệ tôm quảng canh chưa phù hợp, năng suất thấp. Công tác đăng ký nuôi tôm nước lợ còn hạn chế. Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất. Sự liên kết giữa các địa phương để xử lý các vấn đề phát sinh do dịch bệnh.

Theo Liên minh thủy sản toàn cầu (GAA), sản lượng tôm của thế giới năm 2021 tăng 8,9% so với năm 2020 và dự báo năm 2022 vẫn tiếp tục tăng. Những thách thức, tác động đối với ngành tôm Việt Nam như: Cạnh tranh tại thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam trở nên gay gắt hơn, giá tôm nguyên liệu thế giới có xu hướng giảm; nhiều thay đổi về quy định kiểm dịch an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nhập khẩu…

Tại Hội nghị, đại diện Ủy ban nhân dân, ngành nông nghhiệp, doanh nghiệp các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Ninh Thuận… vùng trọng điểm nuôi tôm của cả nước đã báo cáo tham luận, chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, đề xuất các giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi tôm trong ngắn hạn và dài hạn. Hội nghị đã chứng kiến lễ ký kết Quy chế phối hợp quản lý tôm giống nước lợ năm 2022 giữa các tỉnh, thành trong khu vực.

Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp, năm 2022, nhu cầu tôm bố mẹ khoảng 260.000-270.000 con; chủ yếu là tôm thẻ chân trắng 200.000-210.000; tôm giống khoảng 140-150 tỷ con; trong đó, tôm thẻ chân trắng 100-110 tỷ con. Diện tích nuôi tôm đạt 750.000 ha; tôm sú 625.000 ha, tôm thẻ 125.000 ha; sản lượng tôm các loại 980 nghìn tấn, trong đó tôm sú 275.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 675.000 tấn, còn lại là tôm khác. Kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD, tăng 2,56% so với năm 2021.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến biểu dương tinh thần vượt khó của ngành nông nghiệp và doanh nghiệp các địa phương khắc phục tác động bất lợi từ thị trường và dịch Covid-19 để hoàn thành kế hoạch nuôi tôm năm qua.

Ngành nông nghiệp tiếp tục có giải pháp đồng bộ hướng tới phát triển bền vững ngành tôm, trong đó chú trọng tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường dịch bệnh, tiếp tục quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, thức ăn, vật tư phục vụ nuôi tôm, triển khai các giải pháp đồng bộ kiểm soát chất lượng và giá thức ăn tôm, tích cực phối hợp, xử lý tháo gỡ rào cản kỹ thuật, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ tôm Việt Nam.