Na Chi Lăng lên sàn thương mại điện tử

NDO -

Những ngày này, nông dân trên địa bàn huyện Chi Lăng, Lạng Sơn, hối hả bước vào vụ thu hoạch na. Vụ na năm nay huyện Chi Lăng có hơn 1.800 ha thu hoạch, sản lượng ước đạt hơn 18.000 tấn. Trong đó na trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là hơn 613 ha, diện tích còn lại sản xuất theo hướng nông nghiệp an toàn.

Người dân các xã trong huyện Chi Lăng bán na tại chợ nông sản Chi Lăng
Người dân các xã trong huyện Chi Lăng bán na tại chợ nông sản Chi Lăng

Mặc dù phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt về phòng, chống dịch Covid-19, nhưng việc thu hái, tiêu thụ na trên địa bàn huyện Chi Lăng về cơ bản  diễn ra thuận lợi, giá cả ổn định. Bên cạnh các thương lái thu mua, một số hộ dân đã quảng cáo, bán hàng trên mạng xã hội cũng như thông qua hai sàn thương mại điện tử Vỏ sò (voso.vn) và Postmart (postmart.vn)

Hộ gia đình anh Lăng Văn Hưng, ở thôn Bãi Hào, xã Chi Lăng, phấn khởi nói: Gia đình đã được các đơn vị chức năng của huyện hướng dẫn mở tài khoản thanh toán điện tử, tạo cửa hàng số để tự tổ chức bán hàng hóa, nông sản trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò của Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post). Việc bán nông sản qua sàn điện tử rất dễ dàng và tiện lợi, chỉ cần chụp ảnh sản phẩm và điền các thông tin về sản phẩm đăng lên là sẽ được đặt mua.

Từ ngày 20/7 đến ngày 12/8, gia đình anh Hưng đã giao được 82 đơn đặt mua na của khách hàng trong và ngoài tỉnh, với hơn 880 kg na. Bán na trên sàn thương mại điện tử được giá hơn so với việc đem na ra chợ bán. Gia đình anh Hưng trồng được 400 cây na, dự kiến năm nay sẽ thu hái được hơn ba tấn quả na dai (giá bán từ 40 nghìn đến 60 nghìn đồng/kg), ước tính doanh thu được hơn 150 triệu đồng...

Na Chi Lăng lên sàn thương mại điện tử -0
Các thành viên HTX nông sản Chi Lăng phân loại, đóng gói, gửi chuyển na cho khách hàng. 

Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Trần Văn Tuấn chia sẻ, xã có hơn 415 ha na, trong đó, 120 ha diện tích được bà con trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlolGAP, ước tính vụ na năm nay, sản lượng đạt từ 3.600 đến 3.800 tấn, ước doanh thu hơn 114 tỷ đồng.

Cũng như gia đình anh Lăng Văn Hưng, hiện đã có hơn 1.000 hộ gia đình, chiếm 70% số hộ dân trong xã, được chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển cửa hàng số và mở tài khoản thanh toán điện tử, trên hai sàn thương mại điện tử: voso.vn và postmart.vn. Hiện mỗi ngày, nông dân xã Chi Lăng bán được từ 80 đến 100 tấn na trên sàn thương mại điện tử và giao bán cho các tư thương tại các chợ đầu mối trên địa bàn...

Những ngày này, từ 7 giờ sáng đến 14 giờ chiều, chợ nông sản thị trấn Chi Lăng luôn tấp nập, bà con nông dân ở các xã vùng ven vẫn tranh thủ đưa na ra chợ giao cho các chủ hàng. Anh Vũ Văn Hải ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) cho biết, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng có bán chậm hơn, nhưng cứ hai ngày, tôi lại lên mua gom được từ hai đến bốn tấn na đem về giao cho các chợ đầu mối ở Hải Phòng.

Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng Vũ Văn Nhân chia sẻ: Hiện nay trên địa bàn huyện có năm hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác sản xuất liên kết chuyên làm dịch vụ tiêu thụ hàng nông sản cho bà con nông dân trên địa bàn huyện, điển hình là HTX nông sản Chi Lăng (thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng) đi vào hoạt động từ năm 2018, với bẩy thành viên. HTX đã đứng ra làm đầu mối, liên kết thu mua, tiêu thụ một số loại nông sản cho bà con như: na, ớt, hoa hồi...

Giám đốc HTX nông sản Chi Lăng, Nguyễn Thị Lý cho biết thêm: Trước đây, bà con trên địa bàn thường tự sản xuất, tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Điều này dẫn đến tình trạng đầu ra sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh. Do đó, HTX đã chủ động đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá ổn định, phù hợp với giá cả thị trường.

Hiện nay, HTX đã liên kết với các công ty, siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch ở 27 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc. Năm nay, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng HTX vẫn triển khai vận chuyển hàng đến một số tỉnh, thành phố. Nhất là được sự các ngành chức năng của huyện, HTX đã thực hiện bán hàng hóa, nông sản trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò của Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post). Bình quân mỗi ngày HTX tiêu thụ được hơn năm tấn na cho bà con trong vùng. Dự kiến, vụ na năm 2021, HTX sẽ tiêu thụ hơn 120 tấn na....

Nhận định và đánh giá vụ na năm nay, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, Vi Quang Trung cho biết, những năm qua, cây na Chi Lăng đã trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế của huyện, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững. Những năm trước, sản phẩm na chủ yếu được tiêu thụ trong thị trường nội địa, một số ít được xuất khẩu tiểu ngạch (dạng trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới) sang Trung Quốc.

Năm nay, do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, na Chi Lăng không xuất khẩu được, nhưng nhu cầu tiêu thụ trong nội địa vẫn cao, giá cả ổn định nên người trồng na rất phấn khởi. Đáng nói nhất là năm nay, huyện triển khai chương trình phát triển kinh tế số, trên hai sàn thương mại điện tử. Huyện phấn đấu từ nay đến hết tháng 8, có 50% số hộ dân trên địa bàn huyện mở cửa hàng số cho người mua và người bán giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử . Thông qua cửa hàng số, người dân có thể mua và bán sản phẩm của mình trên không gian mạng. Ngoài ra huyện còn hỗ trợ tạo điều kiện tối đa cho các tư thương đến Chi Lăng thu mua sản phẩm na Chi Lăng ...

Theo thống kê sơ bộ của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn, tính đến ngày 11/8, trên địa bàn hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng triển khai chương trình phát triển kinh tế số giai đoạn 1, với khoảng 7.400 gian hàng số, tài khoản thanh toán điện tử; tăng gần 5.000 gian hàng so với một tuần trước đó.
Hầu hết sản lượng nông sản tiêu thụ qua cả hai sàn Vỏ Sò và Postmart đạt trên 2 tấn/ngày chủ yếu là na. Trong đó: sàn voso.vn đạt khoảng 1,5 tấn/ngày; sàn postmart.vn đạt gần 1 tấn/ngày.