Mỹ ngăn kịch bản đóng cửa chính phủ

Trong nỗ lực phút chót nhằm tránh viễn cảnh chính phủ phải đóng cửa một phần, Hạ viện Mỹ ngày 30/9 đã thông qua một dự luật ngân sách tạm thời. Đáng chú ý, dự luật đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo nghị sĩ đảng Dân chủ tại Hạ viện, vốn do đảng Cộng hòa nắm thế đa số.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trả lời báo giới sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngân sách tạm thời. Ảnh: AP
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trả lời báo giới sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngân sách tạm thời. Ảnh: AP

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật vào phút chót

Dự luật trên do Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đề xuất nhằm cấp ngân sách cho chính phủ trong vòng 45 ngày, nhưng không bao gồm khoản hỗ trợ bổ sung cho Ukraine. Dự luật đã được thông qua với 335 phiếu thuận và 91 phiếu chống. Trong số 335 phiếu thuận có 209 phiếu của các nghị sĩ Dân chủ và 126 phiếu của nghị sĩ Cộng hòa.

Sau khi Thượng viện Mỹ ngày 30/9 thông qua dự luật ngân sách tạm thời, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày đã ký ban hành đạo luật ngân sách ngắn hạn này nhằm ngăn nguy cơ chính phủ đóng cửa một phần. Đạo luật ngân sách tạm thời này sẽ cho phép duy trì hoạt động của chính phủ cho đến hết ngày 17/11 tới.

Các cuộc bỏ phiếu về dự luật ngân sách ở Quốc hội thường biến thành cuộc đối đầu giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, khi mỗi bên đều dựa vào kịch bản chính phủ đóng cửa để tìm kiếm sự nhượng bộ từ đảng còn lại cho đến khi hai bên đạt được giải pháp vào phút chót. Để có thể ngăn kịch bản chính phủ đóng cửa, cơ quan lập pháp và hành pháp Mỹ đã chấp nhận phương án dự luật chi tiêu tạm thời không bao gồm khoản viện trợ cho Ukraine.

Trước đó, đa số các nghị sĩ đảng Dân chủ đã bác bỏ lời kêu gọi của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đề nghị Tổng thống Joe Biden thỏa hiệp nhằm tránh việc chính phủ bị đóng cửa khi Hạ viện đang bị chia rẽ. Ông McCarthy nhiều lần kêu gọi Tổng thống Biden ngồi vào bàn thương lượng khi đảng Cộng hòa muốn có những thay đổi trong chính sách biên giới và cắt giảm chi tiêu hơn nữa, coi đây như một phần của thỏa thuận nhằm ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa.

Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã đạt thỏa thuận tránh để chính phủ phải đóng cửa trong năm nay, qua đó chấm dứt tranh cãi liên quan mức trần nợ công liên bang và đặt mục tiêu ngân sách 1.590 tỷ USD cho tài khóa bắt đầu từ ngày 1/10. Tuy nhiên, nhiều thành viên đảng Cộng hòa đã bác bỏ thỏa thuận, yêu cầu cắt giảm thêm 120 tỷ USD trong mức ngân sách này.

Những tiền lệ xấu

Lưỡng viện Quốc hội Mỹ nhiều lần chia rẽ về biện pháp ngăn chính phủ đóng cửa. Chính phủ Mỹ cũng từng có những giai đoạn đóng cửa, trong đó có khoảng thời gian 35 ngày từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019 dưới thời Tổng thống Donald Trump - dài nhất trong lịch sử Mỹ, do bất đồng giữa ông Trump và Quốc hội Mỹ khi đó về Dự luật chi tiêu chính phủ.

Bất đồng liên quan vấn đề cấp ngân sách hoạt động cho chính phủ nhiều lần đẩy nước Mỹ đến nguy cơ gián đoạn chi trả cho quân đội, lực lượng hành pháp, các chương trình an toàn và hỗ trợ thực phẩm, xử lý các vấn đề hộ chiếu, lữ hành... Theo đó, đông đảo nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ phép không lương, trong khi hơn 2 triệu quân nhân tại ngũ và quân dự bị sẽ phải làm việc không lương. Ngoài ra, nhiều chương trình và dịch vụ của chính phủ cũng bị gián đoạn. Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack cảnh báo gần 7 triệu phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị cắt các khoản trợ cấp xã hội nếu chính phủ đóng cửa. Điều này có thể tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ.

Trước đó, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s cảnh báo việc Chính phủ Mỹ đóng cửa có thể làm giảm mức xếp hạng tín nhiệm của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Moody’s nhấn mạnh: “Việc đóng cửa kéo dài sẽ gây gián đoạn hoạt động của nền kinh tế và thị trường tài chính Mỹ, đe dọa khả năng chi trả nợ của chính phủ nước này”.