Trên mạng xã hội, Bộ Chỉ huy Trung tâm của quân đội Mỹ (CENTCOM) tuyên bố sự kiện này là một phần của “những thay đổi về lực lượng trong khu vực để giảm thiểu nguy cơ leo thang”, song không nêu rõ số lượng hoặc vị trí chính xác của những chiếc F-22.
Trước đó, ngày 6/8, một quan chức Mỹ tiết lộ khoảng 10 chiếc chiến đấu cơ F/A-18 từ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã hạ cánh xuống một căn cứ quân sự ở Trung Đông hôm 5/8.
Động thái này là một phần trong nỗ lực của Lầu năm góc nhằm hỗ trợ bảo vệ Israel khỏi những cuộc tấn công có thể xảy ra của Iran và các nhóm vũ trang trong khu vực, cũng như bảo vệ quân đội Mỹ.
Theo quan chức trên, hoạt động triển khai máy bay chiến đấu của Hải quân Mỹ trên đất liền dự kiến chỉ là tạm thời vì 1 phi đội gồm khoảng 10 chiếc tiêm kích tàng hình F-22 của không quân Mỹ đang trên đường từ căn cứ quân sự Alaska đến Trung Đông.
Thời gian đồn trú của những chiếc máy bay này sẽ phụ thuộc tình hình trong những ngày tới.
Các nước khuyến cáo công dân rời Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng
Cũng trong ngày 8/8, Chính phủ Cộng hòa Cyprus tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ sơ tán người dân châu Âu và công dân các nước thứ ba nếu tình hình xung đột ở Trung Đông trở nên trầm trọng hơn.
Nhiều thập kỷ qua, đảo quốc nằm ở cực đông của Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành nơi trú ẩn cho hàng nghìn người chạy trốn chiến tranh ở Trung Đông.
Căng thẳng giữa Israel với Iran và phong trào Hezbollah ở Liban đã làm dấy lên nỗi lo về một cuộc xung đột lớn hơn ở Trung Đông, trong bối cảnh cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hamas ở Gaza đã kéo dài 10 tháng.
Phó phát ngôn viên Chính phủ Cộng hòa Cyprus Yiannis Antoniou bày tỏ: “Chúng tôi đã sẵn sàng, chúng tôi đã kích hoạt một kế hoạch cụ thể, ESTIA, đã được thử nghiệm và kiểm chứng... Trong trường hợp chúng tôi được yêu cầu hỗ trợ các quốc gia khác sơ tán công dân của họ khỏi khu vực khủng hoảng để về nước, chúng tôi có thể tiếp nhận họ trong vài ngày cho đến khi họ được hồi hương”.
Ông Antoniou cho biết, đã có gần 10 quốc gia cân nhắc kế hoạch tương tự, song chưa đưa ra bất kỳ đề nghị chính thức nào. Theo ông, nếu thực hiện kế hoạch sơ tán quy mô lớn thì chủ yếu sẽ thông qua đường hàng không.
Thủ lĩnh phong trào Houthi ở Yemen - ông Abdul Malik al-Houthi - ngày 8/8 khẳng định hành động trả đũa Israel là điều không thể tránh khỏi.
Trước đó, hôm 20/7, Israel đã tấn công các kho chứa nhiên liệu tại cảng Hodeidah ở Yemen nằm dưới quyền kiểm soát của Houthi để trả đũa vụ thiết bị bay không người lái (UAV) của lực lượng này tấn công Tel Aviv khiến 1 người thiệt mạng.
Theo thủ lĩnh Houthi, việc lực lượng này cùng với các đồng minh trong khu vực trì hoãn hành động trả đũa những động thái mới nhất của Israel hoàn toàn là do yếu tố “kỹ thuật”.
Ông al-Houthi cũng nhấn mạnh phản ứng phải có tác động đáng kể và việc quyết định phản ứng không chỉ do một cá nhân hoặc nhóm nhỏ mà là quyết định của toàn bộ liên minh.