Mỹ tích cực ứng phó biến đổi khí hậu

Chính phủ Mỹ vừa công bố hướng dẫn ban đầu nhằm triển khai các chương trình trong gói ngân sách về chống biến đổi khí hậu trị giá 27 tỷ USD trong khuôn khổ Ðạo luật Giảm lạm phát (IRA) được Tổng thống Joe Biden ký thông qua hồi tháng 8/2022. Ðộng thái này được đánh giá tiếp thêm động lực cho những nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu của nền kinh tế số 1 thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Ngập lụt sau cơn bão Ian tại Florida, Mỹ. (Ảnh: Getty)
Ngập lụt sau cơn bão Ian tại Florida, Mỹ. (Ảnh: Getty)

Theo thông báo của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), gói ngân sách trên được triển khai thành hai chương trình, trong đó 20 tỷ USD sẽ dành để tài trợ cho các dự án giảm thiểu ô nhiễm và cắt giảm chi phí năng lượng thông qua các tổ chức phi lợi nhuận và các tổ chức tài chính địa phương như ngân hàng “xanh”, hiệp hội tín dụng hoặc cơ quan tài chính nhà ở. Khoản ngân sách 7 tỷ USD còn lại được chi cho các cộng đồng bản địa gặp nhiều khó khăn nhằm triển khai các dự án năng lượng mặt trời. Các điều kiện nhận tài trợ sẽ được EPA công bố vào đầu mùa hè năm 2023.

Hướng dẫn mới của EPA được công bố trong bối cảnh hàng loạt nghiên cứu chỉ ra Mỹ nằm trong danh sách những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của biến đổi khí hậu. Kênh NBC News (Mỹ) dẫn dữ liệu của Cục Thống kê dân số Mỹ cho biết, có tới khoảng 3,4 triệu người ở Mỹ phải rời bỏ nhà cửa do thiên tai trong năm 2022. Florida và Louisiana là hai bang trong số những bang chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu, với hơn 888 nghìn người ở Florida và hơn 368 nghìn người ở Louisiana phải rời bỏ nhà cửa trong năm 2022.

Bão là nguyên nhân chính khiến người dân phải rời đi, tiếp đó là lũ lụt, hỏa hoạn và lốc xoáy. Gần 40% trong số những người rời đi được trở về nhà trong vòng một tuần, trong khi 12% đã được sơ tán trong hơn sáu tháng và gần 16% chưa trở về hoặc không thể trở về nhà của mình. Các chuyên gia về biến đổi khí hậu bày tỏ quan ngại trước những con số trên của nước Mỹ, đồng thời cảnh báo tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới vì biến đổi khí hậu đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn.

Tổ chức chuyên phân tích rủi ro khí hậu XDI công bố nghiên cứu cho thấy, các trung tâm kinh tế và công nghiệp lớn của Mỹ nằm trong danh sách những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước những tác động tàn phá của hiện tượng thời tiết cực đoan do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra. Florida, California và Texas của Mỹ là các bang được dự báo sẽ chịu những tác động nặng nề nhất. Cũng theo XDI, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Ðộ chiếm khoảng một nửa trong top 100 khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.

Hướng dẫn của EPA được đưa ra trong bối cảnh Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cảnh báo Chính phủ Mỹ có nguy cơ vỡ nợ vào tháng 7 tới, nếu các nghị sĩ không thể giải quyết những bất đồng liên quan kế hoạch chi tiêu ngân sách và nâng trần nợ công.

Ðảng Cộng hòa đã đề xuất cắt giảm chi tiêu của các quỹ cũng như một số chương trình của EPA, trong khi đảng Dân chủ cho rằng các chương trình của EPA đóng vai trò quan trọng để mang lại năng lượng tái tạo cho cộng đồng.

Tổng thống Biden khẳng định, dù có hay không sự ủng hộ của một số nhà lập pháp, Mỹ sẽ lấy lại vị thế đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.