Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu với mục tiêu đưa phát thải ròng về mức 0, các doanh nghiệp là những đối tượng cần đi tiên phong và nêu cao tinh thần trách nhiệm. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn tồn tại nhiều doanh nghiệp làm ngơ trước những tác hại mà họ gây ra đối với môi trường. Mới đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres đã đề cập một nghiên cứu do tạp chí Science công bố, trong đó cho biết ExxonMobil đã phớt lờ những nghiên cứu khoa học về tác động của nhiên liệu hóa thạch đối với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu cho thấy, các nhà khoa học của công ty này đã lập mô hình và dự đoán sự ấm lên toàn cầu với độ chính xác đáng kinh ngạc, song ban lãnh đạo công ty không có động thái thiết thực nào đối với thông tin này. ExxonMobil hiện là mục tiêu của một số vụ kiện tại Mỹ.
Trong khi đó, theo báo cáo phân tích mang tên Forest 500 do nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận Global Canopy thực hiện, nhiều công ty và tổ chức tài chính lớn trên thế giới góp phần vào nạn chặt phá rừng dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp đều không có bất kỳ chính sách nào để bảo vệ rừng, làm tăng nguy cơ gây tổn thất thiên nhiên ở cấp độ thảm khốc. Hàng trăm công ty vẫn chưa đề ra chính sách nào về chống nạn phá rừng bất chấp những cam kết từ chính phủ các nước. Cụ thể, trong số 500 công ty và tổ chức tài chính có ảnh hưởng lớn nhất đến nạn phá rừng nhiệt đới thì có tới 201 công ty đã không hề đưa ra bất kỳ chính sách chống phá rừng nào, trong đó có Tập đoàn sản xuất xe hơi VW và Tập đoàn Deichmann, nhà bán lẻ giày dép lớn nhất châu Âu.
Đánh giá về 350 công ty sản xuất, kinh doanh liên quan đến các mặt hàng có nguy cơ gây ra nạn chặt phá rừng như dầu cọ, đậu nành, thịt bò, da, gỗ, bột giấy và giấy, đồng thời xem xét 150 tổ chức tài chính cung cấp nhiều tài chính nhất cho các công ty này, báo cáo Forest 500 nêu rõ, 100 công ty đã cam kết chống chặt phá rừng đối với tất cả các mặt hàng có liên quan, bao gồm cả công ty hàng tiêu dùng Unilever và siêu thị Sainsbury của Anh. Tuy nhiên, chỉ một nửa trong số các công ty này đang tích cực giám sát các nhà cung cấp tìm nguồn cung ứng của công ty với chính sách riêng của mình. Trong số 150 tổ chức tài chính được đánh giá, 92 tổ chức không có chính sách chống phá rừng đối với các khoản cho vay và đầu tư. Các tổ chức tài chính, bao gồm các nhà quản lý tài sản lớn BlackRock, Vanguard và State Street, cung cấp khoản tài chính trị giá 6.100 tỷ USD cho các công ty trong chuỗi cung ứng gây rủi ro cho rừng. Global Canopy cho biết: "Ngày càng có nhiều công ty đưa ra các cam kết, nhưng rất ít công ty thực hiện đầy đủ các hành động để thực hiện các cam kết đó". Cũng theo Global Canopy, các công ty này sẽ gặp rủi ro về tài chính, mất danh tiếng và hoạt động nếu không dần thực hiện các biện pháp giảm hành động góp phần gây ra nạn phá rừng.
Cảnh báo mục tiêu đầy tham vọng nhằm hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5oC so thời kỳ tiền công nghiệp đã "tan thành mây khói", Tổng Thư ký Liên hợp quốc chỉ trích việc các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch vẫn đang chạy đua để mở rộng sản xuất. Ông so sánh hành động của các công ty dầu khí với các công ty thuốc lá và cho rằng, tương tự như những công ty thuốc lá đã phải chịu trách nhiệm vì hành động của họ, các công ty dầu khí lớn cũng cần phải chịu trách nhiệm về hành động của họ gây ra đối với môi trường. Trong khi đó, Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry (G.Ke-ri) nhấn mạnh, điều quan trọng là các công ty dầu khí cần hợp tác hơn trong nỗ lực chống khủng hoảng khí hậu.
Trước thực trạng đáng lo ngại khi hoạt động của các doanh nghiệp gây rủi ro cho việc đạt được các mục tiêu về khí hậu toàn cầu, Tổng Thư ký Guterres kêu gọi các công ty dầu khí, doanh nghiệp hành động dựa trên khuyến nghị do các chuyên gia Liên hợp quốc công bố tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27). Cùng với nỗ lực của các chính phủ, việc thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp sẽ góp phần quan trọng vào cuộc chiến cam go này.