Nhà trắng cũng thông báo, các cuộc đàm phán cấp chuyên viên đã được nối lại trước khi Chủ tịch Hạ viện và Tổng thống gặp trực tiếp.
Cuộc đàm phán về nâng trần nợ công đang trở nên gấp rút hơn khi Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo Chính phủ có thể “cạn tiền” và rơi vào trình trạng “vỡ nợ” vào ngày 1/6 tới.
Chưa rõ khả năng đạt được thỏa thuận giữa hai bên trước ngày 1/6, tuy nhiên Tổng thống Biden từng đề cập khả năng sử dụng một điều khoản Hiến pháp trong Tu chính án thứ 14, theo đó cho phép tổng thống quyền tự nâng mức trần nợ công.
Hiện hai bên vẫn giữ quan điểm khác biệt trong vấn đề trần nợ công. Đảng Cộng hòa cho rằng không thể nâng mức trần nợ, nếu chính quyền không có các biện pháp mạnh tay để giảm thâm hụt ngân sách. Trong khi đó, Tổng thống Biden và đảng Dân chủ phản đối các biện pháp nêu trên, thay vào đó đưa ra kế hoạch giảm một số chi tiêu và tăng thuế đối với những người giàu nhất cùng các tập đoàn hiện được hưởng các khoản giảm thuế lớn.
Giá dầu mỏ tại châu Á giảm trong phiên giao dịch sáng 22/5 do tâm lý thận trọng liên quan các cuộc đàm phán về trần nợ công tại Mỹ và lo ngại về sự phục hồi nhu cầu tại Trung Quốc, trong lúc thị trường nhận được sự hỗ trợ khi nguồn cung từ Canada và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đồng minh (còn gọi là OPEC+) giảm.
Giá dầu Brent kỳ hạn giảm 0,6%, xuống 75,1 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 7 cũng giảm 0,6%, xuống 71,24 USD/thùng.
Vấn đề trần nợ công tại Mỹ cũng tác động đến thị trường chứng khoán châu Á. Mở cửa phiên giao dịch 22/5, chỉ số chứng khoán Nhật Bản xuống thấp hơn và đi theo đà giảm của chứng khoán Phố Wall, nơi các nhà đầu tư không hài lòng vì các cuộc đàm phán ở Mỹ thiếu tiến triển.
Ngược lại, chứng khoán Hàn Quốc tăng cao sáng 22/5 với nhóm cổ phiếu ô-tô và công nghệ có giá trị vốn hóa lớn dẫn đầu, khi các cuộc đàm phán về trần nợ tại Mỹ dự kiến sẽ sớm được nối lại.