Theo báo cáo của UBS, lượng dầu tồn kho sụt giảm và tình trạng gián đoạn nguồn cung gần 500.000 thùng/ngày từ miền bắc Iraq cũng có thể đẩy giá dầu lên 100 USD/thùng. Các chuyên gia ngân hàng này cho rằng, mặc dù nguồn cung từ miền bắc Iraq có thể được nối lại trong ngắn hạn, nhưng sự gián đoạn này và quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện của chín nhà sản xuất dầu mỏ thuộc OPEC+ sẽ khiến thị trường dầu mỏ thắt chặt hơn nữa.
Các dữ liệu mới nhất cho thấy, lượng dầu tồn kho trên đất liền ở Mỹ, châu Âu, Singapore, Nhật Bản và Fujairah (UAE) đã giảm hơn 30 triệu thùng trong ba tuần qua, cho thấy thị trường vẫn thiếu nguồn cung trong tháng 3/2023. Viện Dầu khí Mỹ (API) thông báo Mỹ đã ghi nhận mức giảm 0,377 triệu thùng dầu thô dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 7/4 vừa qua.
Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với mức giảm được các nhà phân tích dự đoán (1,3 triệu thùng) và mức giảm API ghi nhận tuần trước đó (4,346 triệu thùng).
Một số thành viên OPEC+, trong đó có Saudi Arabia, UAE, Iraq, Kuwait, Oman và Algeria, đã thông báo tự nguyện cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,16 triệu thùng/ngày từ tháng 5 cho đến cuối năm nay. Theo đó, Saudi Arabia sẽ cắt giảm 500.000 thùng/ngày, trong khi UAE là 144.000 thùng/ngày. Nga cho biết sẽ duy trì mức cắt giảm 500.000 thùng/ngày. Các thành viên OPEC+ khẳng định đây là biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ.
OPEC+ đã quyết định cắt giảm sản lượng tổng cộng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11/2022 cho đến cuối năm 2023 nhằm hỗ trợ giá dầu vốn ngày càng giảm sút trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm hơn. Như vậy, với cam kết mới nhất, tổng mức giảm sản lượng của OPEC+ sẽ lên khoảng 3,66 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 3,6% tổng nhu cầu dầu toàn cầu.