Nhà trắng đặt mục tiêu hạn chế tối đa những rủi ro bảo mật liên quan AI trong bối cảnh công nghệ này đang phát triển nhanh chóng và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực.
Với bảy trung tâm nghiên cứu về AI sắp được thành lập từ ngân sách của Quỹ Khoa học quốc gia, tổng số viện nghiên cứu về AI trên toàn nước Mỹ sẽ tăng lên thành 25 cơ sở. Bên cạnh đó, Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) của Nhà trắng sẽ ban hành hướng dẫn sử dụng các ứng dụng AI tại các cơ quan chính phủ liên bang trong những tháng tới.
Nhà trắng xác định, AI là một trong những công nghệ mạnh mẽ nhất của thời đại, song để nắm bắt những cơ hội mà nó mang lại, trước tiên phải giảm thiểu rủi ro. Các cơ quan quản lý Mỹ đang tích cực tìm kiếm giải pháp ứng phó những mối lo ngại ngày càng gia tăng từ “làn sóng” AI.
Giới chức Mỹ kỳ vọng các nỗ lực đẩy mạnh nghiên cứu sẽ góp phần hoạch định được các chính sách mới, phù hợp và hiệu quả hơn trong quản lý và sử dụng AI trong hàng loạt lĩnh vực từ khí hậu, nông nghiệp, năng lượng, cho đến y tế công cộng, giáo dục, an ninh mạng…
Theo thông tin từ Nhà trắng, các nhà phát triển AI hàng đầu hiện nay dự kiến sẽ đồng ý việc đánh giá công khai các sản phẩm tại Hội nghị An ninh mạng DEFCON 31 được tổ chức vào tháng 8 tới.
Phát biểu sau cuộc họp với đại diện của bốn công ty công nghệ AI hàng đầu của Mỹ là Alphabet (công ty mẹ của Google), Microsoft, OpenAI và Anthropic, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (C.Ha-rít) nhấn mạnh rằng, các công ty đi đầu trong đổi mới AI cũng như toàn bộ khu vực tư nhân phải có trách nhiệm đạo đức và pháp lý để bảo đảm bảo mật cho các sản phẩm công nghệ của họ, cũng chính là để bảo vệ người dân Mỹ.
Nền chính trị của Mỹ cũng không nằm ngoài tầm tác động của công nghệ mới này. Hạ nghị sĩ Yvette Clarke (I.Clác) mới đây đã giới thiệu một dự luật, theo đó yêu cầu các nhóm chính trị phải công bố việc sử dụng nội dung do AI tạo ra trong các chiến dịch tranh cử.
Đề xuất này được đưa ra sau khi Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa (RNC) phát hành một video quảng cáo dài 30 giây do AI tạo ra nhằm mô tả hình ảnh tương lai của nước Mỹ nếu ông Joe Biden tái đắc cử. Đảng Dân chủ đã chỉ trích mạnh mẽ việc sử dụng những hình ảnh do AI “bịa ra”.
Bản thân Tổng thống Joe Biden cũng cho rằng, AI có thể là mối nguy hiểm. Nhận xét về ứng dụng ChatGPT thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận gần đây, Tổng thống Mỹ cho biết ông nhận thấy cả cơ hội lẫn rủi ro từ AI. Phát biểu trước Hội đồng Cố vấn về Khoa học và Công nghệ, Tổng thống Biden nhấn mạnh các công ty công nghệ phải có trách nhiệm bảo đảm sản phẩm của họ an toàn với người dùng trước khi tung ra thị trường.
Nhà trắng đã dành nhiều sự quan tâm đến việc quản lý AI. Năm 2022, chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố kế hoạch chi tiết của Dự luật về quyền AI và phác thảo kế hoạch tập hợp các tài liệu nghiên cứu AI cấp quốc gia.
Vào tháng 2 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm ngăn chặn sự thiên vị và phân biệt đối xử trong ứng dụng các công nghệ mới ngay khi chúng vừa hình thành. Ủy ban Thương mại Liên bang của Mỹ cũng cam kết sẽ thận trọng trong giám sát việc sử dụng AI không công bằng hoặc nhằm mục đích lừa đảo.