Mỹ công bố hướng dẫn chi tiết về kế hoạch áp giá trần đối với dầu mỏ Nga

Bộ Tài chính Mỹ ngày 22/11 công bố các hướng dẫn chi tiết mới về kế hoạch áp giá trần đối với dầu mỏ Nga. Tuy nhiên, Washington và các nước đồng minh thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) chưa nhất trí về mức giá.
0:00 / 0:00
0:00
Đường ống dẫn dầu Druzhba ở cơ sở lọc dầu ở Szazhalombatta, Hungary, ngày 18/5/2022. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Đường ống dẫn dầu Druzhba ở cơ sở lọc dầu ở Szazhalombatta, Hungary, ngày 18/5/2022. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Hãng tin AP dẫn lời 1 quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết, bản hướng dẫn mới nhằm giúp các công ty và hãng bảo hiểm hàng hải hiểu rõ cách thức để tuân thủ mức giá trần.

Văn bản này quy định khi nào áp giá trần, đồng thời nêu rõ giá trần có thể thay đổi tùy theo điều kiện thị trường.

Theo đó, giá trần sẽ không áp dụng trong trường hợp hoạt động chế biến quan trọng được thực hiện bên ngoài Liên bang Nga, thí dụ "dầu thô được tinh chế hoặc trải qua 1 quá trình chuyển đổi quan trọng khác làm sản phẩm mất đi tính chất riêng và biến thành sản phẩm mới với tên gọi, đặc tính và công dụng mới".

Hãng Sputnik đưa tin theo bản hướng dẫn cập nhật, Bộ Tài chính Mỹ đã cho phép thực hiện các giao dịch liên quan việc nhập khẩu dầu mỏ Nga vào Bulgaria, Croatia, cũng như bất cứ quốc gia thành viên nào của Liên minh châu Âu (EU) không giáp biển, phù hợp với quy định của EU đưa ra hồi tháng 6 vừa qua, trong đó áp dụng một số miễn trừ đối với các nước nêu trên.

Ngoài ra, hướng dẫn nêu rõ Mỹ chỉ cho phép các hoạt động liên quan đến việc bốc dỡ dầu mỏ Nga trong các tình huống khẩn cấp như các tình huống đe dọa tính mạng của thủy thủ đoàn và môi trường.

Dự kiến, các quan chức EU nhóm họp trong ngày 23/11 để thảo luận và nhất trí về mức giá trần cuối cùng áp với dầu mỏ Nga.

Theo tờ The Wall Street Journal, Mỹ và các đồng minh đang đưa ra mức giá trần từ 60-70 USD/thùng. Nếu các nước đạt thỏa thuận, mức giá cụ thể sẽ được áp dụng từ ngày 5/12 tới.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định ngay cả khi đạt thỏa thuận về mức giá trần, Mỹ cũng sẽ không nhập khẩu dầu của Nga, chiểu theo lệnh hành pháp EO 14066 về việc này.

Trước đó, tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7 - gồm Anh, Đức, Italia, Canada, Mỹ, Pháp và Nhật Bản) đã nhất trí áp mức giá trần đối với dầu mỏ Nga và sẽ xem xét thường xuyên để điều chỉnh khi cần thiết, qua đó giúp tăng sự ổn định của thị trường.

Theo kế hoạch, giới hạn giá sẽ được áp dụng từ ngày 5/12/2022 đối với dầu mỏ và áp dụng từ ngày 5/2/2023 đối với các sản phẩm dầu.

Phản ứng về động thái trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moskva sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì ra nước ngoài nếu điều đó đi ngược lại lợi ích của Nga.