EU chia rẽ về áp giá trần khí đốt

Kết thúc Hội nghị cấp cao không chính thức của Liên minh châu Âu (EU) vừa diễn ra tại CH Czech, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên trong khối đã không thể thống nhất quan điểm về phương án áp giá trần đối với khí đốt, vốn được coi là một trong những giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU cũng kỳ vọng những đề xuất cụ thể sẽ được đưa ra trước thềm hội nghị cấp cao chính thức của khối sẽ diễn ra sau hai tuần.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà lãnh đạo EU chụp ảnh chung tại hội nghị không chính thức ở Czech. Ảnh: AP
Các nhà lãnh đạo EU chụp ảnh chung tại hội nghị không chính thức ở Czech. Ảnh: AP

Cần gói giải pháp toàn diện

Phát biểu ý kiến với báo giới ngay sau khi kết thúc hội nghị, Thủ tướng Ireland, Micheal Martin tiết lộ vẫn còn “nhiều việc cần phải làm” trước khi đạt được một thỏa thuận chung. Theo ông, tại Hội nghị cấp cao chính thức của EU dự kiến diễn ra trong hai ngày 20 và 21/10 tới ở Brussels (Bỉ), Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ trình bày một gói giải pháp toàn diện hơn gồm các biện pháp ngắn hạn nhằm giảm giá năng lượng và những giải pháp dài hạn để định hình lại thị trường khí đốt của liên minh.

Trong nhiều tuần qua, EU đã thảo luận về các phương án áp giá trần khí đốt gồm: giới hạn giá đối với tất cả khí đốt, áp giá trần đối với khí đốt được sử dụng cho sản xuất điện, áp giá trần đối với khí đốt của Nga. Phát biểu ý kiến tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng nước chủ nhà Czech, Petr Fiala và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel sau hội nghị ngày 7/10, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh, ổn định giá khí đốt và ngăn chặn đầu cơ khí đốt là nhiệm vụ quan trọng. Theo bà, bước đi tiếp theo là giải quyết tác động của giá khí đốt lên giá điện. Bà Leyen cũng cho biết, EC sẽ đưa ra những đề xuất chi tiết hơn nhằm ứng phó tình trạng giá năng lượng tăng cao.

Chủ tịch EC thông báo, lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga hiện chỉ chiếm 7,5% nhu cầu tiêu thụ của EU, giảm mạnh so mức 40% trước đây. Theo bà Leyen, EU đã cố gắng giảm một phần mười tổng lượng tiêu thụ khí đốt và lấp đầy các bể chứa dự trữ ở mức gần 90%, cao hơn 15% so cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, bà tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu của EU trong chính sách đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo và EC sẽ tìm phương án tài chính cho các chương trình hỗ trợ.

Kêu gọi giảm giá năng lượng

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng, tại hội nghị cấp cao sắp tới ở Brussels, các nhà lãnh đạo EU cần thống nhất những biện pháp nhằm giảm giá năng lượng. Ông cũng kêu gọi giảm tiêu thụ, đồng thời đề cập đến vấn đề cung cấp khí đốt an toàn và giải pháp mua chung khí đốt, bao gồm việc tìm kiếm các đối tác thứ ba tin cậy trong tương lai.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp báo, Thủ tướng Fiala tuyên bố phương án tách giá khí đốt khỏi giá điện ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía các quốc gia thành viên EU. Ông kêu gọi EU cần phải đạt được giải pháp chung, bởi giải pháp riêng lẻ của mỗi quốc gia có thể gây tốn kém và không hiệu quả.

Cũng liên quan giải pháp chung để ứng phó khủng hoảng năng lượng, trước đó EU kêu gọi thiết lập cơ chế vay chung của 27 nước thành viên. Cao ủy EU phụ trách vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni và Cao ủy EU phụ trách vấn đề công nghiệp Thierry Breton khẳng định, khoản vay mới này có thể dựa trên mô hình nợ chung trong giai đoạn đại dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ việc làm. Hai quan chức này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh để thị trường nội khối bị chia rẽ, khi tạo ra cuộc đua về các gói hỗ trợ, cũng như gây hoài nghi về các nguyên tắc đoàn kết và thống nhất, vốn là nền tảng trong dự án của EU.

Các đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh Đức công bố gói hỗ trợ trị giá 200 tỷ euro (tương đương 197,4 tỷ USD) cho các hộ gia đình và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của giá năng lượng tăng vọt. Mức hỗ trợ của Đức cao hơn nhiều so mức hỗ trợ khoảng 67-68 tỷ euro của Pháp và Italy, khiến một số nước thành viên EU quan ngại sẽ gây ảnh hưởng đến tính cạnh tranh công bằng ở thị trường chung.