Việc cung cấp nguồn nhân lực ổn định, chất lượng cao cho ngành điện ảnh là mối quan tâm hàng đầu của nhiều nhà quản lý cũng như nhà làm phim. NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh cho biết, đào tạo nhân lực là mục điêu hàng đầu cho ngành điện ảnh, nhưng hiện nay nguồn kinh phí đào tạo ở cả hai trường ĐH Sân khấu Điện ảnh ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều rất thấp, chưa đủ cho một sinh viên làm một vài bài tập. Ông Hải nói, nếu một đạo diễn tốt nghiệp, ra trường, nhưng số lượng bài tập chưa đủ thì không thể làm được phim. Vì vậy, phải xem xét lại kinh phí đào tạo, làm việc lại với các trường điện ảnh, vì chương trình đào tạo của ngành điện ảnh có đặc thù khác với tất cả các ngành khác.
Đối với đào tạo nâng cao ở nước ngoài, ông Đặng Xuân Hải nhấn mạnh, phải chọn người biết nghề, ngoại ngữ tốt đưa đi đào tạo ở nước ngoài mới hiệu quả.
Về thời gian, ông Đặng Xuân Hải nhận xét, theo Chiến lược đến năm 2020, như vậy thời gian còn lại không nhiều, phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể và càng sớm càng tốt để đến năm 2020 có người có nghề. Ông Hải nói: “Muốn có tác phẩm hay, phải có người có nghề, mà muốn vậy, phải tập trung cho đào tạo”.
Cũng về đào tạo, PGS, TS Trần Luân Kim, Nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nêu ra sự lãng phí trong đào tạo: “Chúng ta tuyển sinh không đúng người, đó là lãng phí. Đào tạo không đủ chất lượng, thời gian, lại thêm một sự lãng phí nữa”. Sự lãng phí này là một phần nguyên nhân của tình trạng diễn viên thừa mà thiếu hiện nay: quá nhiều các ngôi sao tự phong, các hot girl, hot boy tràn sang điện ảnh, với diễn xuất thiếu kinh nghiệm và dễ dãi, trong khi rất thiếu những diễn viên được đào tạo bài bản, có nghề.
Vấn đề thiếu nhân lực do thiếu hụt từ khâu đào tạo cũng là một trong những khó khăn mà Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương phải đối đầu từ nhiều năm nay. Bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc hãng cho biết, nhân lực qua đào tạo của hãng hiện đang rất thiếu. Bà Tuyết nói: “Đào tạo là khâu quan trọng nhất, con người phải có đủ năng lực và kiến thức mới bảo đảm được công việc. Ở Hãng, phần lớn các đạo diễn đều trưởng thành từ công việc quay phim, một số ít được đào tạo từ những năm 80 ở Liên Xô cũ”. Được biết, mới đây, một số đạo diễn trẻ mới ra trường cũng về làm việc ở hãng, tuy nhiên những khó khăn,vất vả trong công việc tỷ lệ nghịch với thu nhập đã khiến nhiều đạo diễn trẻ không thể trụ nổi tại Hãng.
TS Vũ Ngọc Thanh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, người trực tiếp liên quan đến công tác đào tạo lại chỉ ra những vướng mắc mà hiện nay trường gặp phải. Theo xu hướng phát triển, mỗi năm ngành điện ảnh lại có thêm những công việc mới cần phải đào tạo nhân lực. Tuy nhiên, hiện nay nếu muốn mở rộng, thêm mới ngành đào tạo, trường phải chuẩn bị trước về giáo trình, người giảng dạy, rồi xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo mở mã ngành để tuyển sinh. Đây là việc không thể thực hiện trong một thời gian ngắn.
Chia sẻ ý kiến này, bà Lê Thị Thu Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, để khắc phục việc chậm mở ra các ngành đào tạo mới, Vụ sẽ phối hợp với trường ĐH Sân khấu Điện ảnh mở những chương trình đào tạo ngắn hạn mà không cần phải xây dựng mã ngành, các chuyên ngành này sẽ thuộc ngành lớn đã có trong danh mục đào tạo của trường. Tuy nhiên, cũng phải tới năm 2015 – 2016 mới bắt đầu đưa vào đào tạo được.
Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một trong những mục tiêu trong Chiến lược điện ảnh. Từ nay đến năm 2020, sẽ tập trung vào các loại hình đào tạo chính quy dài hạn, tổ chức các khóa ngắn hạn nâng cao tay nghề, mở rộng thêm ngành đào tạo, du học tại chỗ, nâng cao chất lượng giảng viên và giáo trình giảng dạy, kết hợp với đào tạo ở nước ngoài.
Bà Ngô Phương Lan cho biết, Cục đã chủ động liên hệ với các Viện đào tạo nước ngoài để hợp tác đưa nhân lực sang đào tạo. Mới đây nhất, Viện đào tạo điện ảnh New York của Mỹ, nơi đào tạo nhiều nhà làm phim, diễn viên nổi tiếng của Hollywood đã nhận lời, đồng ý đưa máy móc, thiết bị và giảng viên sang Việt Nam giảng dạy, tuy nhiên mỗi học viên phải trả chi phí 2.500 USD cho khóa đào tạo. Đó là con số mà Cục Điện ảnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không kham nổi.
“Muốn có phim hay, phải có người giỏi”. Mục tiêu đào tạo đã được đưa vào Chiến lược điện ảnh, và việc tạo ra những tác phẩm điện ảnh chất lượng cao phần lớn phụ thuộc và công tác đào tạo của ngay ngày hôm nay.