Muôn cách ứng phó với nắng nóng

Nhận được thông tin về việc cắt điện sinh hoạt chưa biết giờ nào mới được cấp lại, chị Trần Thanh Hằng ở phố Cự Khối (quận Long Biên) vội vàng gọi điện thoại cho người quen nhờ tá túc.
0:00 / 0:00
0:00
 Người dân Hà Nội "trốn nóng" trong trung tâm thương mại. Người dân Hà Nội "trốn nóng" trong trung tâm thương mại.
Người dân Hà Nội "trốn nóng" trong trung tâm thương mại. Người dân Hà Nội "trốn nóng" trong trung tâm thương mại.

Chị Hằng cho biết: “Không có điện cho nên gia đình tôi không nấu được cơm, không có quạt hay điều hòa cho trẻ nhỏ ngủ, con quấy khóc vì nóng cho nên tôi đành phải sơ tán, đợi đến lúc có điện mới về”. Những ngày vừa qua, các trung tâm thương mại, siêu thị trở thành nơi “tránh nóng” của nhiều người.

Ghi nhận trong những ngày đầu tháng 6, lượng khách tới các trung tâm thương mại, siêu thị đã tăng đột biến so với ngày thường. Các hàng quán, hiệu sách, các bàn ăn công cộng... trong trung tâm thương mại đều đông kín người. Để giúp mọi người có thêm chỗ tránh nóng, Trung tâm thương mại Aeon Long Biên đã mở cửa phòng họp trung tâm để mọi người vào nghỉ và bổ sung thêm ghế ngồi tại các khu vực.

Ở khu vực ngoại thành, người dân cũng chật vật vì bị cắt điện kéo dài nhiều giờ. Ngày 1/6, nhiều khu vực tại các huyện ở phía tây thành phố đã bị mất điện. Công ty Điện lực Quốc Oai cho biết, nguyên nhân là do vận hành quá tải các đường dây 220kV và 110kV, dẫn đến các máy cắt đầu nguồn tự động kích hoạt, tách ra khỏi vận hành làm gián đoạn cung cấp điện cho một số khu vực. Mất điện, nhiều công ty, xưởng sản xuất phải tạm dừng hoạt động.

Các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu cũng đóng cửa do không vận hành được cột bơm, người dân đội nắng đi mua xăng đành phải quay về. Trong nhà nóng nực, ngột ngạt, người dân các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ... kéo nhau ra ngoài đồng hóng gió đến tận đêm do không ngủ được trong những căn nhà nóng hầm hập, nhiều người còn kê võng, trải chiếu ra ngoài đường, ngoài sân để ngủ.

Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng đã làm nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Bình quân lượng điện tiêu thụ trong tháng 5 đã tăng hơn 22,5% so với bình quân tháng 4. Trong đó, lượng điện tiêu thụ trong ngày 31/5 đã đạt đỉnh với 95.177 triệu kWh, ngày 2/6 là 94.786 triệu kWh, ngày 1/6 là 94.418 triệu kWh…

Nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung ứng điện đang rất khó khăn. Từ đầu năm đến nay, diễn biến thủy văn bất lợi và hiện tượng El Nino khiến hoạt động của các nhà máy thủy điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến cuối tháng 5, sản lượng điện quy đổi còn lại trong hồ thủy điện toàn hệ thống là 2,35 tỷ kWh, thấp hơn 1,736 tỷ kWh so với kế hoạch năm, trong đó riêng sản lượng điện của miền bắc thấp hơn 1,23 tỷ kWh.

Có 8 trong số 12 hồ thủy điện ở miền bắc có mực nước bằng và gần mực nước chết. Bên cạnh đó, một số tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống cũng bị suy giảm công suất hoặc bị sự cố do vận hành cao liên tục trong điều kiện thời tiết nóng gay gắt kéo dài. “Một số khu vực trên địa bàn Hà Nội phải ngừng, giảm cung cấp điện khẩn cấp để bảo đảm an toàn hệ thống điện”, đại diện EVN Hà Nội nhấn mạnh.

Nhu cầu sử dụng điện tăng cao đã làm các thiết bị trên lưới điện liên tục vận hành trong tình trạng đầy tải, thậm chí quá tải, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các sự cố cục bộ trên lưới điện. Hiện tại, ngành điện đang bảo đảm 100% nhân lực thợ điện trong những ngày nắng nóng, ứng trực 24 giờ, khi phát hiện dấu hiệu quá tải phải lập tức kéo cáp, san tải và khôi phục lưới điện nhanh nhất khi xảy ra sự cố.

Bên cạnh đó, ngành điện cũng kêu gọi các cơ quan, đơn vị, người dân sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; khuyến cáo các cơ quan, công sở, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, nhà ga, sân bay... trên địa bàn thành phố giảm bớt đèn chiếu sáng, tắt đèn biển quảng cáo, để nhiệt độ điều hòa hợp lý, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng và thiết bị đô thị (Hapulico) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trước tình trạng thiếu điện, công ty đã vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng theo chế độ tiết kiệm như bật đèn muộn 30 phút, tắt đèn sớm 30 phút so với thông thường. Hệ thống chiếu sáng các tuyến đường có bốn làn đèn như đường Võ Chí Công, Hoàng Sa - Trường Sa, đại lộ Thăng Long... cắt giảm 50% ngay từ đầu giờ vận hành, tắt hàng đèn ở dải giữa sau 23 giờ.

Hệ thống chiếu sáng trong các công viên, vườn hoa chỉ vận hành tối đa không quá 50% số đèn và cắt toàn bộ sau 23 giờ… Qua đó, đã tiết kiệm hơn 36% lượng điện năng tiêu thụ của hệ thống chiếu sáng. Để góp phần giảm tình trạng quá tải cho hệ thống điện, nhiều tòa chung cư trên địa bàn thành phố đã tích cực hưởng ứng đề nghị của ngành điện, sử dụng máy phát điện để vận hành thang máy, hệ thống chiếu sáng trong tòa nhà vào các khung giờ cao điểm, thay cho việc dùng điện lưới.

Với tình hình thời tiết nắng nóng còn tiếp diễn trong thời gian tới, để tránh quá tải cục bộ gây gián đoạn việc cung cấp điện, EVN Hà Nội khuyến cáo khách hàng, các cơ quan, công sở và doanh nghiệp sản xuất sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết và hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn vào khung giờ cao điểm của hệ thống điện (từ 10 giờ đến 14 giờ và từ 19 giờ đến 23 giờ hằng ngày).

Người dân không sử dụng nhiều đồ điện cùng một lúc để tránh quá tải lưới điện, và đề phòng các nguy cơ gây cháy, nổ lưới điện, trạm điện và khu dân cư.