Muỗi Wolbachia khắc tinh của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

NDO -

NDĐT - Muỗi Wolbachia – loại muỗi có tác dụng ức chế khả năng lây truyền virus sốt xuất huyết tại Việt Nam đang được các nhà khoa học nghiên cứu và đã thử nghiệm thành công tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Muỗi Wolbachia được nuôi trong phòng thí nghiệm.
Muỗi Wolbachia được nuôi trong phòng thí nghiệm.

Theo các nhà khoa học, Wolbachia là vi khuẩn nội bào, sống trong tế bào côn trùng và truyền sang thế hệ tiếp theo thông qua trứng của côn trùng. Vi khuẩn wolbachia này sẽ làm ức chế khả năng lây truyền virút sốt xuất huyết. Muỗi Wolbachia chính là muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết, được cấy vi khuẩn chứa wolbachia.

Ông Vũ Trọng Dược, Phó trưởng khoa Côn trùng và động vật y học, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết “việc cấy vi khuẩn này vào trứng con muỗi rất khó vì trứng con muỗi rất bé, chúng tôi phải dùng vi tiêm để cấy vào. Sau đó thì cũng thất bại nhiều lần nhưng sau có sự giúp đỡ của Úc thì cuối cùng cũng thành công”.

Theo bà Mai Thị Chu Linh, khoa Côn trùng và động vật y học, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, muỗi Wolbachia được nuôi trong phòng thí nghiệm với việc theo dõi nhiệt độ rất sát sao để bảo đảm độ ẩm tốt nhất cho muỗi phát triển. Loại máu để cho muỗi hút phải là máu sạch, người cho hút máu không được uống kháng sinh để không làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng muỗi Wolbachia.

Để bảo đảm muỗi Wolbachia có thể sống tốt ngoài tự nhiên, hàng tuần các kỹ thuật viên sẽ thả 20% muỗi ngoài thực địa để giao phối với 80% muỗi được nuôi trong phòng thí nghiệm. Sau khoảng 5 – 10 lần nhân giống như vậy, muỗi được thả ra ngoài tự nhiên.

Ngoài ức chế vi rút truyền bệnh sốt xuất huyết, muỗi Wolbachia chính là khắc tinh của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết với những cơ chế muỗi Wolbachia đực giao phối với muỗi Aedes Aegypti cái sẽ khiến trứng đẻ ra bị lép, không nở thành bọ gậy được. Muỗi Wolbachia cái giao phối với muỗi Aedes Aegypti đực sẽ sinh ra muỗi Wolbachia.

Khi được thả ra ngoài thực địa, muỗi vằn Aedes Aegypti truyền bệnh sốt xuất huyết sẽ bị tiêu diệt dần dần. Thay thế vào đó là muỗi Wolbachia không truyền bệnh sốt xuất huyết và có vòng đời ngắn hơn rất nhiều loài muỗi vằn thông thường.

“Khi con này truyền vào con muỗi thì tuổi thọ sẽ giảm xuống. Tuổi thọ bình thường của muỗi sốt xuất huyết từ 34 ngày nhưng bị nhiễm Wolbachia thì sẽ rút ngắn còn 12 ngày. Khi một muỗi nhiễm wolbachia làm cho khả năng con muỗi ấy không phát tán được tại cộng đồng” - ông Vũ Trọng Dược cho hay.

Hiện Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đang đốc thúc tiến độ thẩm định kết quả chống sốt xuất huyết của loại muỗi này. Loại muỗi này là do quỹ Bill Gate tài trợ cho bảy nước chống sốt xuất huyết, trong đó có Việt Nam

Trên thế giới, một số nước như Úc, Anh, Brazil đã sử dụng muỗi wolbachia để diệt muỗi sốt xuất huyết. Còn tại Việt Nam, muỗi wolbachia đã được thả thực nghiệm tại đảo Trí Nguyên, tỉnh Khánh Hòa, giúp nơi này không còn dịch sốt xuất huyết. Dự kiến thời gian tới, loại muỗi này sẽ tiếp tục được thả tại xã Vĩnh Lương, phía bắc TP Nha Trang.