Từ đó đến nay, đã 10 năm dòng điện quốc gia tới đảo Lý Sơn, chuyên chở sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng nỗ lực của chính quyền và nhân dân huyện đảo, giúp Lý Sơn từ một vùng chuyên canh hành, tỏi trở thành huyện đảo phát triển mạnh mẽ về du lịch, dịch vụ.
Đảo tiền tiêu rực sáng
Khi tuyến cáp ngầm 22 kV xuyên biển từ đất liền ra đảo Lý Sơn đưa vào vận hành, nguồn điện ổn định đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, chính quyền huyện Lý Sơn tập trung đầu tư hạ tầng, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh của đảo. Từ năm 2015 đến nay, 11 công trình trọng điểm đã được khởi công xây dựng và đưa vào khai thác ở đảo Lý Sơn, với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Huyện triển khai mới 7 dự án lớn có tính kết nối, tác động lan tỏa phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh-quốc phòng.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng phục vụ kinh tế biển quy mô lớn trên đảo Lý Sơn có thể kể tới: đường cơ động phía đông nam, cảng Bến Đình, Trung tâm chính trị-hành chính, Trung tâm y tế, Vũng neo đậu, tránh trú tàu thuyền Lý Sơn,… mang đậm dấu ấn vùng biển, giúp đảo Lý Sơn phát triển căn cơ, vững chãi.
Sau hơn 6 năm thi công, công trình đường cơ động phía đông nam huyện đảo Lý Sơn đã hoàn thành. Đây là vành đai giao thông trọng yếu với 5 tuyến đường cơ động, tổng chiều dài 2,1 km, cùng kè chắn sóng dài 1,8 km, ta-luy bảo vệ khu vực lấn biển.
Tuyến vành đai giao thông này có tác dụng phòng chống sạt lở, giữ đất cho đảo tiền tiêu và kết nối hạ tầng giao thông tổng thể của huyện đảo. Khởi đầu từ một huyện đảo khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém, sau nhiều năm được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng, đã tạo đà giúp Lý Sơn phát triển vượt bậc về kinh tế-xã hội.
"Ngày xưa, khi chưa có điện quốc gia, cuộc sống của người dân chúng tôi mọi thứ đều khó khăn, thiếu thốn. Điện về đảo đã thay đổi toàn diện bộ mặt hạ tầng ở đây, đường sá đi lại rất thuận lợi. Hiện nay, người dân trên đảo không chỉ còn sống dựa vào cây hành củ tỏi, ra khơi đánh cá mà đã xoay ra làm dịch vụ, du lịch, thu nhập cao hơn hẳn. Mấy năm gần đây, cuộc sống người dân trên đảo thay đổi so với ngày xưa một trời, một vực", ông Nguyễn Lành, người dân ở thôn An Vĩnh chia sẻ.
Điện quốc gia ra huyện đảo Lý Sơn đã làm thay đổi hẳn cơ cấu kinh tế trên đảo, tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ không ngừng gia tăng, dần trở thành mũi nhọn. Hiện nay, tỷ trọng thương mại-dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đã tăng lên 46%, ngang bằng nông nghiệp vốn trước đây chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối và có xu hướng tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Kinh tế phát triển tích cực, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tiến bộ giúp tăng thu ngân sách cho huyện. Sáu tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất thương mại dịch vụ chiếm khoảng 42% tổng giá trị sản xuất của huyện đảo.
Hiện đảo Lý Sơn có khoảng 2.000 hộ dân hoạt động trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ và khoảng 3.000 lao động làm việc trực tiếp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành thương mại dịch vụ giai đoạn 2015-2020 đạt 25,2%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, đặc biệt là doanh thu vận tải, tăng bình quân 40%.
Tổng doanh thu hoạt động thương mại dịch vụ giai đoạn 2019-2021 ở đảo Lý Sơn đạt khoảng 1.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 37,5 triệu đồng/người/năm, gấp 200 lần so với thời điểm thành lập huyện năm 1993.
Tạo bước phát triển đột phá
Cách đất liền khoảng 15 hải lý, huyện đảo Lý Sơn có diện tích tự nhiên 10,39 km2, dân số hơn 22 nghìn người và nằm trên con đường biển từ bắc vào nam và án ngữ ngay tại cửa ngõ phía đông Khu kinh tế Dung Quất, cách đường hàng hải quốc tế 90 hải lý.
Với vị trí hết sức quan trọng này, Lý Sơn là huyện đảo tiền tiêu của đất nước, có vai trò bảo đảm an ninh chủ quyền quốc gia trên biển, đồng thời có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên, lịch sử văn hóa,… Sau 10 năm có điện lưới quốc gia, Đảng, Nhà nước tiếp tục dành sự quan tâm, giúp huyện đảo Lý Sơn tạo nhiều bước đột phá mới bền vững hơn.
Ngày 3/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định, phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành trung tâm du lịch biển-đảo. Đây là tiền đề, nền tảng để huyện đảo Lý Sơn tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Kinh tế du lịch được chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cũng như huyện đảo Lý Sơn xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, nền tảng đưa huyện đảo sớm vươn mình trở thành trung tâm du lịch biển-đảo khu vực miền trung-Tây Nguyên. Sự phát triển nhanh của du lịch biển đảo đã giúp tốc độ tăng trưởng du lịch của huyện Lý Sơn từ năm 2017 đến năm 2024 đạt 27,31%. Tỷ trọng ngành du lịch chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện, tác động lớn đến kinh tế-xã hội của đảo này.
Với tầm nhìn và cơ hội mới, huyện đảo Lý Sơn tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện đảo.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng đánh giá, ngành chức năng đang nỗ lực triển khai các nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch; huy động nguồn lực xã hội phát triển kết cấu hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại. Phấn đấu đến năm 2030, đảo Lý Sơn đón khoảng 1,5-1,6 triệu lượt du khách, trong đó có khoảng 100 đến 150 nghìn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ du lịch đạt 3.000-3.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, huyện đảo Lý Sơn tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với các giải pháp phát triển bền vững, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị. Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, sẽ xây dựng đảo Lý Sơn trở thành đô thị biển.
Tỉnh Quảng Ngãi đặc biệt ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, đặt mục tiêu đưa huyện Lý Sơn trở thành đô thị loại IV và sớm đạt tiêu chí đô thị loại III, đô thị biển-đảo đặc sắc của tỉnh và của cả nước trong tương lai. Đồng thời, phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là đô thị ven biển, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, tạo nền tảng để huyện đảo Lý Sơn phát triển mạnh mẽ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết: Đưa điện quốc gia ra đảo Lý Sơn thể hiện tầm nhìn sâu sắc và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân huyện đảo. Mười năm qua, kể từ khi có điện, đảo Lý Sơn đã thay đổi toàn diện; các chỉ số, mục tiêu kinh tế-xã hội đều tăng gấp nhiều lần so với trước đó; chất lượng, đời sống nhân dân nâng cao rõ rệt và bảo đảm an ninh, quốc phòng biển đảo.
Trong giai đoạn mới, với nhiều cơ hội, chính quyền địa phương và nhân dân huyện đảo sẽ tiếp tục nỗ lực đưa Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển-đảo, để hòn đảo tiền tiêu ngày càng phát triển rực rỡ giữa biển khơi.