Tư vấn đối thoại

Mức hưởng chế độ ốm đau tính trên mức tiền lương nào?

Quý báo có thể cho biết, mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc hay mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội?

Trần Thành Vinh (Hà Tĩnh)

Ảnh minh họa: Trần Hải.
Ảnh minh họa: Trần Hải.

Trả lời:

Theo Thông tư số 06/2021/TT-BLÐTBXH ngày 7/7/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 59/2015/TT-BLÐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc: Người lao động thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau mà thời gian nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả trường hợp nghỉ việc không hưởng tiền lương) thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Trường hợp các tháng liền kề tiếp theo người lao động vẫn tiếp tục bị ốm và phải nghỉ việc thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Cấp thuốc chống lao cho người tham gia bảo hiểm y tế

Trường hợp người đang điều trị ngoại trú bằng thuốc chống lao theo chế độ bảo hiểm y tế mà phải vào điều trị nội trú các bệnh liên quan hoặc không liên quan đến lao tại cơ sở y tế khác với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh đang điều trị lao ngoại trú, nếu trong quá trình điều trị nội trú hết thuốc hoặc không sẵn có thuốc chống lao thì việc cấp thuốc chống lao theo chế độ bảo hiểm y tế được thực hiện thế nào?

Nguyễn Văn Hợp (Hà Nội)

Trả lời:

Vấn đề bạn đọc hỏi được quy định tại Thông tư số 36/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế quy định khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan khám bệnh, chữa bệnh lao (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2022).

Cụ thể, khoản 2 Ðiều 6 Thông tư này quy định việc cấp thuốc trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh điều trị nội trú khác với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh đang điều trị ngoại trú lao như sau:

a) Nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh đang điều trị nội trú là cơ sở điều trị có thuốc chống lao thì người bệnh được nhận để sử dụng thuốc chống lao tại cơ sở này. Người bệnh cần xuất trình sổ khám bệnh có ghi cụ thể phác đồ điều trị, số lượng thuốc chống lao đã cấp để làm cơ sở cho việc cấp thuốc tiếp theo. Bác sĩ khoa điều trị nội trú thực hiện kê đơn thuốc chống lao nếu đủ điều kiện kê đơn theo quy định tại các điểm a và b khoản 1 Ðiều 5 Thông tư này.

Trường hợp bác sĩ khoa điều trị nội trú không đủ điều kiện kê đơn thuốc chống lao theo quy định tại các điểm a và b khoản 1 Ðiều 5 Thông tư này thì kê đơn thuốc chống lao theo đúng phác đồ người bệnh đang sử dụng đã được ghi trong sổ khám bệnh của người bệnh. Thuốc chống lao được ghi chép trong bệnh án, sổ khám bệnh và phát cùng với thuốc điều trị nội trú.

b) Nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người bệnh đang điều trị nội trú không phải là cơ sở điều trị thuốc chống lao thì người đại diện của người bệnh thực hiện việc lĩnh thuốc chống lao tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đang cấp thuốc chống lao cho người bệnh để bảo đảm việc điều trị lao được đầy đủ, liên tục, kịp thời. Khi nhận thuốc người đại diện của người bệnh phải xuất trình giấy tờ tùy thân còn thời hạn (Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu), giấy xác nhận điều trị nội trú theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.