Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Mỹ Châu, Đơn vị Nhiễm, khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bệnh Whitmore không phải là bệnh mới ở Việt Nam.
Mỗi năm cả nước có khoảng 100-200 người mắc bệnh này. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh đã điều trị cho hơn 10 trường hợp, trong đó có 4 trường hợp diễn ra trong 3 tháng gần đây vốn là đang mùa mưa tại khu vực phía nam.
Bệnh nhân N.M.C (59 tuổi) vừa được các bác sĩ Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh điều trị thành công bệnh Whitmore.
3 tháng nay, bệnh nhân rất mệt mỏi, sốt về chiều, ăn uống kém, đau lưng, sụt 19kg. Ông C. có tiền căn đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, hay sử dụng rượu bia. Ông đã đi khám ở nhiều bệnh viện nhưng tình hình sức khỏe không cải thiện. 3 ngày trước khi nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, ông sốt cao 39 độ C, người lừ đừ, đau vùng lưng nhiều hơn, không tự đi lại được, phải có người dìu, các hoạt động sinh hoạt cá nhân phải có người hỗ trợ.
Các bác sĩ đã cho bệnh nhân cấy máu, kết quả xác định vi khuẩn Burkholderia pseudomallei là tác nhân gây bệnh nhiễm trùng. Bác sĩ tiếp tục cho ông C. thực hiện xét nghiệm máu, kết quả chỉ số viêm và bạch cầu máu tăng cao.
Sau đó, người bệnh được thực hiện chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống, thấy vi khuẩn đã gây tổn thương thân sống – đĩa đệm L3-L4 và viêm xung quanh kèm các ổ bắt thuốc viền dạng áp xe trong cơ thắt lưng chậu 2 bên. Ổ lớn nhất trong cơ thắt lưng chậu ở bên trái #34x13x24mm, bên phải 46x15x36mm.
Tổn thương lan vào khoang ngoài màng cứng, kèm các ổ dịch nhỏ, ép mặt trước bao màng cứng, ép nhẹ mặt trước chùm đuôi ngựa, lan các lỗ liên hợp L3-L4, L4-L5 hai bên. Ngoài ra còn có áp xe đa ổ rải rác trong tiền liệt tuyến, ổ lớn nhất 20x14mm.
Theo bác sĩ Châu, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sau khi xâm nhập vào cơ thể có thể gây nhiễm trùng và dẫn đến áp xe nhiều cơ quan cũng như viêm đĩa đệm, làm giảm khả năng chịu lực và độ bền của chúng. Viêm có thể gây ra đau và hạn chế cử động. Ngoài ra, tình trạng nhiễm trùng có thể dẫn đến viêm cột sống, làm tổn thương các đốt sống và mô xung quanh, thậm chí trường hợp nặng có thể gây hoại tử xương.
Bệnh có thể không có biểu hiện lâm sàng cụ thể và thường giống các dạng viêm tủy xương, viêm khớp nhiễm trùng và viêm khớp dạng thấp khác. Các đặc điểm nổi bật trong viêm khớp nhiễm trùng là sưng, đau, đỏ và nóng xung quanh khớp, khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt thường ngày.
Các bác sĩ lên phương án điều trị kháng sinh tĩnh mạch Meropenem 4 tuần, kết hợp uống Cotrim, điều chỉnh đường huyết. Một tuần sau điều trị, ông Cường hết sốt, cấy máu lại cho kết quả âm tính. 4 tuần sau điều trị, ông ăn uống ngon miệng, tự đi lại, ổ áp xe giảm kích thước đáng kể, tự sinh hoạt bình thường.
“Vi khuẩn ăn thịt người” Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore là vi khuẩn gram âm, có khả năng tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt như môi trường nghèo chất dinh dưỡng, khô hạn. Chúng thường sống trong môi trường đất ẩm tự nhiên, đặc biệt là lớp đất cách bề mặt 20-40 cm. Vi khuẩn này có khả năng gây viêm mạnh mẽ, dẫn đến tổn thương mô và các cấu trúc xung quanh, bao gồm cả đĩa đệm và đốt sống.
Con đường lây nhiễm bệnh chủ yếu là do các vị trí da bị tổn thương tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn hoặc người bệnh hít phải các hạt bụi đất nhiễm khuẩn. Bệnh hay xảy ra ở người thường xuyên tiếp xúc với đất và nước như nông dân, công nhân xây dựng, người làm vườn, quân nhân…
Khi người bệnh có những biểu hiện sốt cao dài ngày, nhiễm trùng da, mô mềm, viêm phổi, đau bụng, đau lưng, đau đầu… nên đến các cơ sở y tế có chuyên môn kỹ thuật cao để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Bệnh Whitmore có thể xảy ra ở người và động vật như chó, mèo, bò, ngựa, chuột. Bệnh thường rải rác quanh năm nhưng tăng cao hơn vào mùa mưa.
"Bệnh Whitmore xảy ra ở mọi lứa tuổi, nam giới thường có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới. Những người có bệnh lý nền như tiểu đường, nghiện rượu, sử dụng corticoid dài ngày, mắc bệnh phổi và thận mạn tính… thường có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn so với người bình thường. Bệnh cũng có thể gặp ở người trước đó hoàn toàn khỏe mạnh và chưa ghi nhận trường hợp lây bệnh giữa người và động vật", bác sĩ Châu nói.
Chuyên gia này khuyến cáo, người dân nên sử dụng thiết bị bảo hộ (như ủng, găng tay) và băng bó vết thương hở, vết cắt hoặc vết bỏng nếu phải tiếp xúc gần với đất, nước.
Những người có nguy cơ cao nên tránh ra ngoài sau khi mưa lớn, đặc biệt là ở các vùng nông thôn để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh Whitmore. Do bệnh chưa có vaccine phòng ngừa, mọi người cần thường xuyên rửa tay trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm.
Khi người bệnh có những biểu hiện sốt cao dài ngày, nhiễm trùng da, mô mềm, viêm phổi, đau bụng, đau lưng, đau đầu… nên đến các cơ sở y tế có chuyên môn kỹ thuật cao để được chẩn đoán và điều trị sớm.