Mưa, lũ gây nhiều thiệt hại tại Điện Biên, Sơn La

Từ đêm 27 đến chiều 28-8, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có mưa to và dông, một số nơi xuất hiện lũ, lũ quét. Theo Ban Chỉ huy PCTT tỉnh, mưa, lũ gây ra nhiều thiệt hại tại các huyện: Nậm Pồ, Tủa Chùa, Tuần Giáo và Mường Chà, làm 70 căn nhà bị cuốn trôi, sạt lở và ngập lụt.

Cảnh sát giao thông tỉnh Lai Châu tiến hành phân luồng, giúp các phương tiện giao thông di chuyển.
Cảnh sát giao thông tỉnh Lai Châu tiến hành phân luồng, giúp các phương tiện giao thông di chuyển.

Tuyến đường quốc lộ 4H từ huyện Mường Chà đi huyện Mường Nhé bị tắc do xảy ra nhiều điểm sạt lở, chưa san gạt hết. Các tuyến đường tỉnh, đường liên xã cũng bị ách tắc nghiêm trọng. Tại huyện Tủa Chùa, những tuyến đường từ thị trấn Tủa Chùa đi xã Mường Báng, thị trấn Sính Phình, Mường Đun - Đun Nưa, Lao Xả Phình - Lầu Câu Phình, huyện Nậm Pồ, đường km45 - Nà Hỳ, Chà Tở - Mường Tùng bị sạt nhiều điểm, các phương tiện không thể lưu thông được. Tuyến đường Chà Cang đi trung tâm huyện Nậm Pồ bị trôi 1 cầu bê-tông và 150 m đường; nhiều đường liên xã, liên bản bị sạt lở...

Mưa lũ cũng làm hơn 130 ha lúa bị ngập, vùi lấp; hơn 30 ha ao cá bị cuốn trôi, tràn bờ; ba trường học ở xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) bị ngập khiến hàng trăm học sinh phải sơ tán, nghỉ học… Ước tính tổng thiệt hại ban đầu khoảng 4,6 tỷ đồng. Ban Chỉ huy PCTT tỉnh chỉ đạo đơn vị trực thuộc ở các huyện phối hợp UBND các xã xuống cơ sở xác minh thiệt hại; tổ chức giúp người dân khắc phục sự cố, ổn định cuộc sống.

* Tại Sơn La, từ đêm 27 đến chiều 28-8 có mưa lớn, gây ra lũ, làm thiệt hại về tài sản và hoa màu ở một số nơi. Tại huyện Mường La, mưa lũ đã làm 15 nhà dân bị ảnh hưởng, trong đó 10 hộ phải di dời khẩn cấp; hơn 15 ha lúa ruộng của xã Mường Bú bị ngập; 10 ha ngô của xã Tạ Bú bị sạt lở, vùi lấp; nhiều tuyến đường bị sạt lở đất đá. Trên tuyến quốc lộ 279D, mưa lũ đã làm sạt lở một khối lượng lớn đất đá tại bản Nà Lếch, xã Chiềng Lao và xã Tạ Bú, gây ách tắc giao thông. Đơn vị quản lý đường bộ trên tuyến quốc lộ 279D đã huy động nhân lực và máy móc đến hiện trường khắc phục hậu quả thiên tai.

Tại huyện Mai Sơn, mưa lớn đã gây ra lũ quét, sạt lở bùn đất, đá, làm trụ sở UBND xã Tà Hộc và Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tà Hộc, Trường tiểu học Tà Hộc bị ngập, hư hỏng nặng; nhiều ruộng lúa và hoa màu của người dân bị cuốn trôi. Chính quyền địa phương đã chỉ đạo lực lượng dân quân và công an xã xuống hiện trường hỗ trợ người dân và các trường học dọn dẹp, di chuyển đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn.

Mưa, lũ gây nhiều thiệt hại tại Điện Biên, Sơn La ảnh 1

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Keng Đu (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) giúp người dân xã Keng Đu di dời nhà đến vị trí an toàn.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ ngày 28 đến 31-8, ở Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến từ 100 đến 200 mm/đợt). Riêng các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La có mưa rất to (lượng mưa phổ biến từ 200 đến 300 mm/đợt). Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: cấp 1. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn.

* Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) đã có Công điện số 45/CĐ-TW gửi các bộ, ngành, địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đề nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; chủ động thu hoạch lúa; sẵn sàng ứng phó. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng tránh, tổ chức tuần tra, canh gác, kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ đầu những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, cống dưới đê, nhất là những tuyến đê bao vùng thượng nguồn.

* Mưa lũ đã khiến nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái bị hư hỏng, thiệt hại nặng nề, gây ách tắc giao thông. Trước tình hình đó, ngành giao thông vận tải đã huy động lực lượng, phương tiện phối hợp các địa phương thực hiện san gạt bùn đất, kè rọ đá, bảo đảm thông tuyến, giúp nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn.

* Từ đầu tháng 8 đến nay, Đoạn Quản lý đường thủy nội địa tỉnh Quảng Nam đã đầu tư hai tỷ đồng (từ nguồn vốn Trung ương và ngân sách địa phương) cho công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến sông năm 2018. Công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến sông trọng yếu sẽ được hoàn thành trong tháng 9, đáp ứng nhu cầu phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai năm 2018.

* Hiện nay, một số nơi thuộc tỉnh Thanh Hóa đã có mưa to đến rất to. Dự báo khu vực này tiếp tục còn có mưa, có nơi mưa to, nên nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, nhất là các huyện: Thạch Thành, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa, Thường Xuân. Để chủ động phòng, chống thiên tai tỉnh đã chỉ đạo các địa phương theo dõi những bản tin dự báo, thông tin kịp thời đến các thôn, bản để chính quyền, người dân biết, chủ động phòng, tránh.

* Hiện mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang dâng. Dự báo trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước sông Cửu Long tiếp tục lên. Đến ngày 31-8, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,2 m, trên BĐ 2 là 0,2 m. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao tại các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2-3. Đây là đợt lũ sớm hơn trung bình nhiều năm và còn diễn biến phức tạp.

* Do ảnh hưởng mưa lũ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã phải gánh chịu thiệt hại lớn về tài sản của người dân, làm sáu người chết và mất tích. Hơn 10 ngày qua, mặc dù đang rất nỗ lực tìm kiếm nhưng hiện vẫn còn một nạn nhân mất tích do lũ cuốn ở xã biên giới Mường Ải chưa được tìm thấy.

* Trước thông tin kênh bê-tông ở dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) có biểu hiện vỡ bất thường, gãy khúc sau mưa, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi các cơ quan có trách nhiệm yêu cầu kiểm tra hiện trường, hồ sơ dự án có liên quan.

* Từ ngày 25 đến 27-8, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã cử đoàn công tác thăm, động viên, trao hàng trăm suất quà tặng đồng bào các dân tộc hai xã biên giới Mường Ải và Mường Típ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Đây là hai xã bị thiệt hại nặng do mưa lũ vừa qua, hiện các tuyến đường vào hai xã này vẫn đang bị chia cắt. Cán bộ, công chức làm việc tại trụ sở UBND thành phố Hồ Chí Minh và một doanh nghiệp quyên góp, ủng hộ số tiền 362 triệu đồng giúp đồng bào các địa phương miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai.

Đoàn Thanh niên Bộ Công thương phối hợp Đoàn Thanh niên Sở Công thương tỉnh Lai Châu tổ chức hoạt động tình nguyện tại xã Mù Sang (huyện Phong Thổ, Lai Châu) nhằm chia sẻ khó khăn, chung tay giúp đỡ người dân giảm nhẹ hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Học viện An ninh nhân dân (Bộ Công an) cũng tổ chức trao 24 suất quà (mỗi suất quà trị giá hai triệu đồng), 60 bộ sách giáo khoa và các đồ dùng sinh hoạt tặng những gia đình và học sinh bị thiệt hại nặng nề do thiên tai tại xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Tại tỉnh Tuyên Quang, Quỹ Vì người nghèo các cấp trong tỉnh đã phân bổ gần 3,5 tỷ đồng hỗ trợ 124 hộ nghèo tại các xã khó khăn, gặp thiên tai.