Mùa chim di trú

Hằng năm, trên hành trình di chuyển về phương nam, nhiều loài chim di trú lựa chọn các vùng đất ngập nước ven biển thành phố Đà Nẵng làm điểm dừng chân, trong đó có nhiều loài chim biển với kích thước, số lượng, mầu sắc, tập tính khác nhau.
Choắt mỏ cong bé tìm mồi trên bãi biển.
Choắt mỏ cong bé tìm mồi trên bãi biển.

Thời điểm đầu tháng 10, một số loài như rẽ khoang, choắt lùn đuôi xám, choắt nhỏ, choi choi lưng hung, choi choi Mông Cổ và đặc biệt là choi choi vàng, choắt mỏ cong bé và rẽ cổ xám được ghi nhận xuất hiện tại bãi biển Mân Thái, quận Sơn Trà.

Năm nay, loài chim di cư được các tay máy chào đón nồng nhiệt nhất tại bãi biển Đà Nẵng chính là choi choi vàng (Pacific Golden Plover). Vốn là loài sống ở xứ lạnh Siberia, choi choi vàng thường bay về phương nam để tránh cái giá lạnh vào những tháng cuối năm. Với thân hình mảnh mai, nhỏ gọn cho nên choi choi vàng có dáng bay rất nhanh nhẹn tạo nên vẻ đẹp hòa cùng nhịp sóng ven bờ.

Mùa chim di trú ảnh 1

Xác tôm, cua là mồi ngon của rẽ cổ xám.

Mùa chim di trú ảnh 2

Rẽ cổ xám không có ngón chân sau.

Mùa chim di trú ảnh 3

Đàn rẽ cổ xám tập trung một chỗ.

Với kích thước thuộc loại trung bình trong nhóm choắt mỏ cong, choắt mỏ cong bé (Whimbrel) có phần mỏ cong dài đặc trưng. Ngoài ra, đôi mắt của loài này có sọc ngang ngắn mầu đen, lông mày trắng, bộ lông mầu trắng đục cùng nhiều sọc đậm.

So với choắt mỏ cong bé, rẽ cổ xám (Sanderling) có kích thước nhỏ hơn nhiều. Tuy nhiên, loài chim này thường sống thành từng đàn với số lượng tương đối đông. Rẽ cổ xám thuộc nhóm rẽ nhỏ, kích thước thân hình khoảng 19 cm. Chúng thường lựa chọn các môi trường sống như vùng đầm lầy ven biển, bãi bồi… Một điều thú vị là loài này không có ngón chân sau. Đây là dấu hiệu để phân biệt giữa chúng với các loài chim rẽ nhỏ khác ■