Đây cũng là nơi thắt chặt tinh thần đoàn kết, mối tương thân tương ái, nâng cao ý thức về cội nguồn dân tộc, giá trị đạo đức, nhân cách sống, tinh thần hòa hợp để gắn kết các thành viên trong cộng đồng với nhau.
Lễ hội Katê thường được bắt đầu bằng lễ hội từ các đền, tháp. Sau đó, người Chăm sẽ có các hoạt động vui chơi, đón Tết Katê tại nhà. Đây cũng là dịp để người Chăm từ khắp mọi miền đất nước trở về đoàn tụ cùng gia đình, bạn bè, dòng họ.
Trống Paranưng và kèn Saranai là hai loại nhạc cụ không thể thiếu trong lễ hội Katê. |
Bên cạnh vẻ đẹp uy nghi, cổ kính của ngôi tháp Pô Sah Inư, những chàng trai, cô gái Chăm nhịp nhàng trong điệu múa dân tộc, uyển chuyển trong tiếng trống Paranưng rộn ràng và tiếng kèn Saranai réo rắt. Tại đây, lễ Nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư gồm các nghi thức như: mở cửa tháp chính, tắm bệ thờ Linga-Yoni, mặc trang phục, đại lễ cúng mừng Katê tại tháp chính… Phần hội diễn ra rộn ràng với các trò chơi dân gian, trình diễn nghề thủ công truyền thống của dân tộc Chăm.