Nghị quyết nêu rõ, dịch Covid-19 tại nước ta đang diễn biến phức tạp, khó lường, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng nhân dân. Việc bảo đảm các điều kiện để phòng, chống dịch Covid-19, nhất là về thuốc, vắc-xin, trang thiết bị y tế là hết sức cần thiết và cấp bách. Thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chính phủ quyết nghị thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, các đơn vị có thẩm quyền được thành lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 là cơ sở tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe, điều trị người nhiễm Covid-19 theo hình thức phù hợp.
Về cơ chế, chính sách đối với sản xuất, nhập khẩu, cung ứng thuốc trong tình hình dịch Covid-19, Nghị quyết nêu rõ, đối với các giấy tờ pháp lý trong hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phục vụ trực tiếp cho phòng, chống dịch Covid-19 mà không cung cấp được bản chứng thực và hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định thì được thay thế bằng một trong các thông tin, tài liệu sau đây: Thông tin công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố; Xác nhận của cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ pháp lý theo đề nghị của Bộ Y tế Việt Nam. Cho phép thay thế Giấy phép sản xuất của cơ sở sản xuất nguyên liệu quy định tại Ðiểm g Khoản 2 Ðiều 85 Nghị định số 54/2017/NÐ-CP ngày 8/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược bằng Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP).
Ðối với vắc-xin đã được WHO phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách, cho phép Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mà không phải thực hiện thủ tục phê duyệt quy định tại Ðiểm c Khoản 1 và miễn nộp giấy tờ quy định tại Ðiểm c Khoản 2 Ðiều 67 Nghị định số 54/2017/NÐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 155/2018/NÐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Nghị quyết đưa ra các quy định cụ thể đối với vắc-xin do Chính phủ các nước viện trợ cho Việt Nam đã được WHO hoặc các nước thuộc nhóm Cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA) phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách; các vắc-xin do Chính phủ các nước viện trợ và đã được cấp phép nhập khẩu trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách…
Nghị quyết hướng dẫn việc kê khai, công bố giá đối với vắc-xin mua bằng nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm miễn phí cho nhân dân…; thủ tục nhập khẩu đối với thuốc điều trị Covid-19, vắc-xin phòng Covid-19 mua bằng nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 hoặc được viện trợ, tài trợ…
Ngày 2/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.948 ca nhiễm mới, gồm 34 ca nhập cảnh và 16.914 ca trong nước (tăng 2.092 ca so với ngày 1/1) tại 63 tỉnh, thành phố. Thành phố Hà Nội vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc Covid-19 trong ngày nhiều nhất, với 2.045 ca. Trong ngày có 14.420 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 221 ca tử vong tại 25 tỉnh, thành phố. Về công tác tiêm chủng, theo Bộ Y tế, trong tổng số 192 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 đã tiếp nhận, Bộ Y tế đã phân bổ tổng số khoảng 176,8 triệu liều, còn khoảng 15,2 triệu liều mới tiếp nhận, đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vắc-xin. Tính đến chiều 2/1, Việt Nam đã tiêm được hơn 152,8 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19.
Bộ Y tế tiếp tục có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường thông tin để người dân hiểu về chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới; không mặc cảm, kỳ thị những người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Người dân về từ các địa bàn có nguy cơ chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định; đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch. Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: sau hai tuần cách ly, theo dõi giám sát chặt chẽ và điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trường hợp người mắc Covid-19 biến thể Omicron đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam đã được ra viện. Sau khi bệnh nhân ra viện, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp tục phối hợp với gia đình theo dõi và quản lý sức khỏe tại gia đình và bảo đảm an toàn cho cộng đồng.
Theo thông báo của UBND thành phố Hà Nội đến ngày 31/12/2021, trong phòng, chống dịch Covid-19, có thêm ba quận, huyện: Thanh Xuân, Gia Lâm, Thanh Trì từ cấp độ 2 (mầu vàng) chuyển sang cấp độ 3 (mầu cam). Ðể kịp thời triển khai các biện pháp an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, từ 12 giờ ngày 2/1, huyện Gia Lâm yêu cầu các gia đình, tổ chức trên địa bàn huyện không tổ chức các hoạt động hội họp, liên hoan cuối năm; dừng các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng; các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 12, chuyển sang dạy và học theo trực tuyến... Huyện Thanh Trì yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp hành chính tương ứng với dịch cấp độ 3 tại tám xã: Yên Mỹ, Tân Triều, Tứ Hiệp, Vĩnh Quỳnh, Tam Hiệp, Thanh Liệt, Ðại Áng và Hữu Hòa kể từ 12 giờ trưa 2/1. Quận Thanh Xuân áp dụng các biện pháp trên từ 12 giờ hôm nay 3/1.