Một giải pháp giảm áp lực dân số nội đô

Sau hơn 10 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, đến nay mật độ dân số thành phố đã phát triển cao hơn định hướng quy hoạch. Trong đó, dân số khu vực nội đô lịch sử duy trì mật độ cao và đã vượt quá quy định, tạo nhiều áp lực lên hạ tầng đô thị, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Việc xây dựng chung cư cao tầng đã gây áp lực hạ tầng đô thị tại khu vực nội thành.
Việc xây dựng chung cư cao tầng đã gây áp lực hạ tầng đô thị tại khu vực nội thành.

Theo kết quả điều tra dân số, mật độ dân số trung bình thành phố Hà Nội năm 2021 hơn 2.480 người/km2, nhưng dân cư phân bổ không đều. Mật độ dân cư tập trung tại 12 quận là 12.069 người/km2, cao gấp 4,5 lần mức dân số trung bình toàn thành phố. Mật độ dân số phát triển tại khu vực trung tâm đạt 9.570 người/km2, vượt gần gấp đôi so với định hướng quy hoạch chung. Dân số thuộc khu vực nội đô lịch sử dự kiến đến năm 2030 giảm còn 800.000 người, nhưng đến nay đã vượt ngưỡng 1,2 triệu người.

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, quy mô dân số tăng nhanh, mật độ dân số phát triển “nóng” khu vực nội đô gây nhiều sức ép đối với hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, quản lý an ninh, trật tự công cộng, bảo đảm môi trường sống. Ðiều này cũng tạo ra nhiều áp lực cho chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, điều hành để bảo đảm các điều kiện về giáo dục, y tế, an sinh xã hội của người dân.

Ðại diện Công an thành phố Hà Nội cho biết, việc áp dụng pháp luật về đăng ký thường trú phát sinh nhiều bất cập. Cụ thể, Nghị quyết số 11 ngày 11/7/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định diện tích ở bình quân đối với nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú ở nội thành và Nghị quyết 21 ngày 6/12/2016 về việc kéo dài thời hạn Nghị quyết số 11, chỉ quy định diện tích ở bình quân đối với nhà thuê ở nội thành, chưa có quy định về diện tích bình quân đối với nhà mượn, ở nhờ.

Các nghị quyết trên cũng chưa quy định điều kiện về diện tích bình quân đối với nhà thuê, mượn, ở nhờ để công dân đăng ký thường trú ở ngoại thành. Vì thế, trong quá trình giải quyết thường trú cho công dân, chính quyền cấp xã còn lúng túng. Ðáng chú ý, Luật Cư trú có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 đã bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố Hà Nội và chuyển việc xác định diện tích nhà ở tối thiểu làm điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ cho Hội đồng nhân dân thành phố quy định.

Từ thực tiễn đó, Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành xây dựng Nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại Hà Nội. Cụ thể, diện tích nhà ở tối thiểu đối với khu vực ngoại thành là 8m2 sàn/người; đối với khu vực nội thành là 15m2 sàn/người.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội

Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết thêm, việc quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là một trong những tiêu chí để thành phố xác định trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm điều kiện sống cần thiết của người dân, phù hợp với yêu cầu quản lý về cư trú và tình hình, chính sách an sinh xã hội.

Việc quy định diện tích nhà ở để từng bước giải nén, giảm áp lực về quy mô dân số cho các quận nội thành là rất cần thiết. Tại kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu để công dân đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, thành phố cần xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp với các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ gia tăng dân số; tăng cường quản lý chặt chẽ phát triển nhà ở cao tầng tại các khu trung tâm gắn với tái thiết đô thị.

Ðặc biệt, thành phố cần sớm có cơ chế, chính sách đặc thù trong việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ; phát triển các đô thị vệ tinh và di dời cơ sở công nghiệp ô nhiễm, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện ra khỏi khu vực nội thành theo quy hoạch và ưu tiên sử dụng quỹ đất sau di dời để xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi xã hội… để bảo đảm các điều kiện về an sinh xã hội, giáo dục, y tế của người dân Thủ đô.