Moody’s cập nhật xếp hạng tín nhiệm B3 cho Sacombank, triển vọng tích cực

NDO - Ngày 21/4, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s) đã cập nhật xếp hạng tín nhiệm B3 cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (SacomBank).
0:00 / 0:00
0:00
Sacombank được xếp hạng tín nhiệm B3 với triển vọng tích cực trong kỳ cập nhật mới nhất của Moody's.
Sacombank được xếp hạng tín nhiệm B3 với triển vọng tích cực trong kỳ cập nhật mới nhất của Moody's.

Cụ thể, Moody’s xếp hạng tín nhiệm B3 với hạng mục nhà phát hành và tiền gửi nội - ngoại tệ dài hạn của Sacombank. Đồng thời, cập nhật xếp hạng mức caa1 đối với các hạng mục đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) và BCA điều chỉnh.

Ngoài ra, Sacombank được xếp hạng mức B2 về rủi ro đối tác (CR) nội - ngoại tệ dài hạn, B2(cr) về đánh giá rủi ro đối tác (CRA) dài hạn, NP về rủi ro đối tác nội - ngoại tệ ngắn hạn, ST về tiền gửi nội - ngoại tệ ngắn hạn, ST về nhà phát hành nội - ngoại tệ ngắn hạn, và NP(cr) về đánh giá rủi ro đối tác ngắn hạn.

Cùng với đó, Moody’s đã nâng xếp hạng triển vọng nhà phát hành và tiền gửi dài hạn từ ổn định lên tích cực, phản ánh kỳ vọng của tổ chức này về sự cải thiện hơn nữa đối với hồ sơ tín dụng của Sacombank nhờ việc xử lý các khoản vay có vấn đề còn tồn đọng.

Cơ sở xếp hạng

Việc Moody’s cập nhật xếp hạng B3 và đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) mức caa1 cho Sacombank cho thấy hồ sơ tín dụng độc lập của ngân hàng này mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn yếu.

Trong khi tài sản có vấn đề của Sacombank giảm, vốn chủ sở hữu của ngân hàng vẫn còn khiêm tốn do khả năng tạo vốn nội bộ yếu. Chỉ tiêu đánh giá tín dụng cơ sở được xếp hạng mức caa1 cũng một phần là do nguồn vốn và khả năng thanh khoản còn khiêm tốn của Sacombank.

Tỷ lệ các khoản vay có vấn đề đã điều chỉnh của Sacombank, bao gồm nợ xấu (NPL), tổng trái phiếu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và tài sản có vấn đề còn tồn đọng đã giảm xuống còn 6,7% vào tháng 12/2022 từ mức 11,9% một năm trước đó nhờ nỗ lực của ngân hàng trong việc xử lý một khối lượng lớn tài sản có vấn đề còn tồn động trong năm vừa qua.

Tuy nhiên, tỷ lệ các khoản vay có vấn đề đã điều chỉnh của Sacombank vẫn cao hơn mức trung bình 1,8% của các ngân hàng khác được xếp hạng tại Việt Nam, chủ yếu là do lượng trái phiếu VAMC đang lưu hành. Sacombank đang có kế hoạch trích lập đầy đủ dự phòng cho trái phiếu VAMC vào năm 2023.

Mặc dù dự báo tỷ lệ nợ xấu hình thành mới của Sacombank sẽ tăng lên do những thách thức hiện hữu trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng, song Moody’s cho rằng những rủi ro này được bù đắp bởi chất lượng tài sản được cải thiện và BCA vốn đã thấp sẵn của ngân hàng này.

Vốn lõi (core capital) của Sacombank, được đo bằng tỷ lệ vốn chủ sở hữu hữu hình (TCE)/tài sản có rủi ro, đã giảm nhẹ xuống 6,3% vào tháng 12/2022 từ mức 6,4% một năm trước đó do tốc độ tiêu thụ vốn nhanh hơn khả năng tạo vốn nội bộ.

Moody’s đánh giá, vốn của Sacombank sẽ duy trì ở mức thấp hơn mức trung bình của các ngân hàng được xếp hạng khác tại Việt Nam. Bởi vì theo chương trình phục hồi tài chính mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) thiết kế cho Sacombank, ngân hàng này chỉ có thể huy động vốn mới sau khi thanh lý một phần tài sản có vấn đề còn lại và không còn thụ hưởng chương trình. Ngoài ra, khả năng sinh lời cũng được dự báo sẽ yếu do Sacombank có kế hoạch tất toán lượng trái phiếu VAMC trong vòng 12-18 tháng tới.

Bên cạnh đó, theo Moody’s, việc cập nhật xếp hạng đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) cũng phản ánh nguồn vốn và khả năng thanh khoản khiêm tốn của Sacombank. Việc ngân hàng này ít phụ thuộc vào nguồn vốn trên thị trường được cân đối bởi khả năng thanh khoản ở mức vừa phải.

Tính đến tháng 12 năm ngoái, các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền mặt, số dư với ngân hàng trung ương và chứng khoán chính phủ chiếm tỷ lệ khiêm tốn 12% trong tổng tài sản của Sacombank. Ngoài ra, 33% chứng khoán chính phủ của ngân hàng này đã được cầm cố làm tài sản thế chấp cho các khoản vay và khó có thể dễ dàng bán được khi cần thiết.

Trong khi đó, xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi dài hạn của Sacombank được đánh giá ở mức B3, cao hơn 1 bậc so với mức caa1 đối với đánh giá tín dụng cơ sở (BCA), cho thấy kỳ vọng của Moody’s về khả năng hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam (Ba2, triển vọng ổn định) cho ngân hàng trong trường hợp cần thiết.

Các yếu tố có thể dẫn đến việc nâng hoặc giảm xếp hạng tín nhiệm

Moody’s có thể nâng xếp hạng tín nhiệm đối với các hạng mục nhà phát hành và tiền gửi của Sacombank nếu sức mạnh tín dụng độc lập của ngân hàng này được cải thiện, đồng nghĩa với việc xếp hạng đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) của ngân hàng cũng được nâng lên.

Việc nâng hạng tín nhiệm BCA sẽ được thực hiện khi Sacombank cải thiện chất lượng tài sản bằng cách giảm tỷ lệ nợ xấu (NPL) xuống dưới 3% thông qua việc giải quyết các tài sản có vấn đề còn tồn đọng. Điều này cũng sẽ giúp cải thiện khả năng sinh lời và hỗ trợ tạo vốn nội bộ cho ngân hàng.

Ngoài ra, quyết định nâng hạng đối với BCA cũng phụ thuộc vào việc ngân hàng duy trì nguồn vốn và thanh khoản ổn định.

Trong khi đó, Moody’s có thể hạ xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành và tiền gửi của Sacombank nếu tổ chức này đánh giá rằng sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho ngân hàng yếu đi. Moody’s cũng sẽ hạ xếp hạng và BCA nếu tỷ lệ nợ xấu của Sacombank tăng trên 10%, dẫn đến chi phí tín dụng cao hơn và khả năng sinh lời yếu hơn.

Việc giảm tỷ lệ vốn chủ sở hữu hữu hình (TCE)/tài sản có rủi ro xuống dưới 6% cũng sẽ gây bất lợi cho BCA và xếp hạng của Sacombank.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Sacombank là 592 nghìn tỷ đồng.