Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B1 cho ngân hàng SHB

NDO - Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s) vừa công bố cập nhật xếp hạng tín nhiệm cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB). Theo đó, Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B1 cho SHB ở kỳ cập nhật này, trong bối cảnh thị trường toàn cầu trải qua nhiều biến động và đầy thách thức trong năm 2022 và đầu năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Moody's giữ nguyên xếp hạng B1 với hạng mục Nhà phát hành và tiền gửi nội tệ dài hạn cho SHB.
Moody's giữ nguyên xếp hạng B1 với hạng mục Nhà phát hành và tiền gửi nội tệ dài hạn cho SHB.

Cụ thể, Moody’s giữ nguyên xếp hạng B1 với hạng mục Nhà phát hành và tiền gửi nội tệ (LC) dài hạn cho SHB, cùng một số định hạng khác.

“Việc giữ nguyên xếp hạng B1 và B2 BCA của SHB phản ánh kỳ vọng của Tổ chức này đối với chỉ số tín dụng của SHB sẽ duy trì ổn định trong vòng 12-18 tháng tới. B2 BCA cũng xem xét dựa trên nguồn vốn và thanh khoản của ngân hàng”, Moody’s viết trong báo cáo.

Về cập nhật trên, đại diện lãnh đạo SHB cho biết: Báo cáo cập nhật của Moody’s đã phản ánh những thách thức trên thị trường trong và ngoài nước, cũng như những biến động và thách thức đối với ngành ngân hàng nói riêng.

Trong bối cảnh đó, việc Moody’s giữ nguyên xếp hạng B1 cho thấy SHB tiếp tục củng cố an toàn và hiệu quả hoạt động trong mục tiêu phát triển bền vững. SHB tin rằng các thế mạnh nội tại sẽ cho phép Ngân hàng tiếp tục nâng cao an toàn và hiệu quả hoạt động, cũng như tiếp cận các chuẩn mực quốc tế cao hơn trong thời gian tới.

Với kết quả kinh doanh trong năm 2022, SHB đã khẳng định vị thế hiệu quả hoạt động trong top đầu hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 24,7%, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) đạt 22,7% và đứng thứ hai toàn hệ thống. Các chỉ số an toàn, thanh khoản, quản lý rủi ro của SHB đều đạt tốt hơn so các mức quy định của Ngân hàng Nhà nước và theo các chuẩn mực quốc tế.

Đại diện lãnh đạo SHB cũng cho biết, Ngân hàng đã hoàn tất việc chuẩn bị các nền tảng để tiến tới chuyển đổi lên phương pháp tính vốn nâng cao (FIRB), triển khai áp dụng báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế (IFRS), đáp ứng các chuẩn mực Basel III về rủi ro thanh khoản - một trong những chỉ tiêu quan trọng khi Moody’s đánh giá về hoạt động an toàn và quản trị rủi ro của các ngân hàng.

Trước đó, vào tháng 5/2022, Moody’s đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm SHB cùng triển vọng tích cực, dựa trên các yếu tố nền tảng mà SHB đã tạo dựng và triển khai thành công trong năm 2021, đánh giá kế hoạch kinh doanh 2022 và định hướng chiến lược của SHB trong 3-5 năm tới. Theo đó, Moody’s đã nâng mức xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi dài hạn của SHB từ B2 lên B1, nâng hạng Đánh giá tín dụng cơ bản (BCA) của SHB từ B3 lên B2, đồng thời thay đổi triển vọng xếp hạng của SHB từ ổn định thành tích cực.