Nghiên cứu này cung cấp góc nhìn sâu sắc, khá toàn diện về thói quen sử dụng thời gian nhàn rỗi của sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang sống và học tập tại Ký túc xá của đại học.
Hiện, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có quy mô khoảng 100 nghìn sinh viên. Để nghiên cứu đề án này, nhóm nghiên cứu dựa trên khảo sát được thực hiện tại Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thông qua phần mềm của Trung tâm Quản lý ký túc xá cho đối tượng là tất cả sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang sinh sống và học tập tại đây.
Nghiên cứu khảo sát với các nội dung: Thói quen, mục đích và thái độ đối với thời gian rỗi của sinh viên; sự hài lòng của sinh viên đối với cuộc sống đại học; các câu hỏi đánh giá hiệu quả học tập của sinh viên và ý kiến về các chính sách hỗ trợ sinh viên.
Đoàn công tác Trường đại học Keris Mas College (Malaysia) tham quan phòng ở sinh viên Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTKTX) |
Khảo sát thu được hơn 21.655 câu trả lời từ sinh viên thuộc các trường đại học thành viên đang sinh sống tại ký túc xá. Qua đó cho thấy, phần lớn sinh viên có thời gian rỗi từ hai đến bốn giờ mỗi ngày (chiếm 66,71%); 22,95% sinh viên có thời lượng thời gian rỗi từ một đến hai giờ mỗi ngày; 10% sinh viên có ít hơn một giờ rỗi.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, sinh viên chủ yếu dành thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi, thư giãn và giải trí bằng các hoạt động như: xem phim, nghe nhạc, sử dụng mạng xã hội. Đây là hoạt động được lựa chọn nhiều nhất, và cho thấy nhu cầu thư giãn và giảm stress sau những giờ học tập căng thẳng.
Đối với nghiên cứu về sự hài lòng về cuộc sống đại học, sinh viên cảm thấy hài lòng với cuộc sống đại học hiện tại, đặc biệt là sự cân bằng giữa học tập và các hoạt động ngoại khóa.
Bế mạc Trại hè sinh viên mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á
Về hiệu quả học tập, trong môi trường đại học, sinh viên đối mặt với nhiều áp lực trong quá trình học tập. Đa số sinh viên cảm thấy áp lực khi so sánh với bạn bè và áp lực thi cử. Điều này cho thấy "áp lực đồng trang lứa" tại môi trường đại học. Vượt qua các khó khăn nêu trên, sinh viên vẫn giữ được sự tự tin và quyết tâm học tập thông qua việc cảm thấy có tiến bộ và đạt kết quả tốt nếu nỗ lực.
Đề cập đến mối quan hệ giữa việc sử dụng thời gian rảnh rỗi với hiệu quả học tập và sự hài lòng về cuộc sống đại học, các phân tích cho thấy việc sinh viên có mục đích tích cực đối với quỹ thời gian rỗi của mình đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao mức độ hài lòng về cuộc sống đại học.
Không gian văn hóa, không gian sinh hoạt sinh viên của Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTKTX) |
Nhóm nghiên cứu kết luận, nhìn chung, sinh viên hài lòng với cuộc sống đại học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chất lượng cơ sở vật chất, sự hỗ trợ của phòng ban và giảng viên với mức độ tương đồng với các trường đại học ở các nước phát triển.
Qua đó, nhóm nghiên cứu đề xuất, sinh viên đang dành nhiều ưu tiên cho các hoạt động giải trí, mà chưa tập trung các hoạt động phát triển bản thân. Cho nên, sinh viên cần quan tâm đến việc cân bằng giữa nghỉ ngơi, giải trí và phát triển bản thân.
Chủ động tham khảo lịch học để xây dựng kế hoạch học tập, trau dồi kỹ năng theo giai đoạn ngắn hạn, dài hạn. Đồng thời, tham gia các khóa đào tạo hoặc buổi báo cáo chuyên đề về quản lý thời gian rỗi, và các kỹ năng quan trọng khác
Đối với các trường đại học, khuyến khích sinh viên xây dựng các nhóm học tập nhằm thúc đẩy trao đổi, gắn kết giữa các sinh viên. Ngoài ra, nhà trường cũng có thể lồng ghép hoặc xây dựng các hoạt động kỹ năng trở thành một hoạt động ngoại khóa bắt buộc nhằm tăng cường hiệu quả tiếp cận đến sinh viên.