Phóng viên: Chúc mừng cuốn sách mới của anh. Tựa đề “Chúng ta sống là vì…” gây tò mò cho không ít độc giả. Vậy đáp án là gì?
Nguyễn Phong Việt: Những điều tôi muốn nói đều nằm hoàn toàn trong cuốn sách. Và theo cách nào đó, tôi nghĩ mỗi người chúng ta đều có một lựa chọn để sống. Dĩ nhiên đi kèm với lựa chọn ấy sẽ có những cái giá phải trả khác nhau. Đáp án của tôi chỉ đơn giản là chọn cách nào cũng được nhưng phải để cho mình vui. Ngay cả trong việc đương đầu với bi kịch, cũng hãy cho phép bản thân mình lạc quan nhất có thể. Đó là thái độ tôi tin rằng chúng ta tự chọn được mà không phụ thuộc vào năng lực, hoàn cảnh hay số mệnh.
Hình ảnh tại buổi ra mắt sách “Chúng ta sống là vì…” tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 20/11. (Ảnh: PHI HÙNG) |
Phóng viên: Vâng, “chọn cách nào cũng được nhưng phải để cho mình vui”. Tôi tin không ai muốn mang buồn phiền trong cuộc đời mình, nhưng làm sao để gạt bỏ tất cả lo âu, phiền muộn để được sống với niềm vui như anh chia sẻ?
Nguyễn Phong Việt: Để gạt bỏ những muộn phiền sang một bên, để cởi bỏ tất cả những ham muốn vượt xa năng lực bản thân xuống, để chấp nhận cuộc đời này vốn dĩ là như thế trong từng tình huống khác nhau… Tất cả những điều đó, với tôi, là một quá trình rèn luyện, kiên nhẫn cho đến cuối cùng biến thành một thói quen. Tôi không tin là ai đó ngay từ lúc sinh ra đã có sẵn một niềm vui sống trọn vẹn. Có thể, mọi thứ bắt đầu chỉ là hạt mầm tốt, nhưng theo thời gian nếu vun đắp và chăm bón thành cây thì sẽ ra được quả ngọt. Tôi, cũng như nhiều người khác, có những năm tháng chìm đắm trong nỗi buồn và sự tuyệt vọng. Cho đến một ngày, tự mình nhận ra quỹ thời gian của mình không còn nhiều…
Nếu bây giờ không vui thì bao giờ sẽ vui, nếu bây giờ không tự mình nhìn nhận, thấu hiểu đúng con người mình thì chẳng lẽ đợi 70-80 tuổi mới nhận ra? Cái đúng mà tôi đang làm thật ra đều bắt nguồn từ rất nhiều cái sai và cố chấp. Tôi tin là ai cũng sẽ làm được điều đó, chỉ là quan trọng bạn có muốn sống vui hay không mà thôi. Không ai có quyền bắt bạn sống trong những nỗi muộn phiền trừ phi bạn cho phép mình làm điều đó. Dĩ nhiên, khi tôi nói điều này, chúng ta đã ở độ tuổi tự chịu trách nhiệm với mọi hành vi của bản thân.
Phóng viên: Anh viết là vì điều gì? Anh có đang tạo áp lực cho bản thân khi mỗi năm đều ra sách mới?
Nguyễn Phong Việt: Tôi thật sự có rất nhiều công việc để phải làm hàng ngày. Viết lách chỉ là một phần rất nhỏ trong đó. Tuy nhiên, tôi xem viết lách là cách mình giải tỏa những cảm xúc thường ngày khi tôi phải đối diện với những thử thách của cuộc sống. Nhìn thấu và hiểu ra mà không viết với tôi là một cảm giác rất khó chịu. Mỗi năm viết một cuốn sách, đến thời điểm này với tôi là không khó. Cái khó nhất là cuốn sách ấy có giá trị trong tâm trí người đọc hay không, đó là nỗi lo lớn nhất của tôi. Đến lúc này, nhìn ở góc độ nghề chọn người, tôi nghĩ mình được giao phó một chút sứ mệnh của nghề viết.
Tác giả Nguyễn Phong Việt trò chuyện với bạn đọc. (Ảnh: PHI HÙNG) |
Phóng viên: Anh từng được gắn với danh xưng “nhà thơ triệu bản”, tuy nhiên dường như hiện nay anh đang chuyển dần sang văn xuôi, có duyên với tản văn. Anh lý giải sự thay đổi này?
Nguyễn Phong Việt: Tôi không chuyển sang tản văn hoàn toàn mà chỉ đơn giản là sau 10 năm với 10 tập thơ, tôi muốn dừng lại để cho mình một quãng lặng và độc giả của tôi cũng được thảnh thơi. Tôi sẽ trở lại với thơ vào mùa Giáng sinh 2025 với một tập thơ mới, kèm theo đó là một book set giới hạn in lại trọn vẹn 10 tập thơ từ năm 2012-2021 của tôi. Đó là vừa là một món quà đẹp với mọi người nhưng cũng có thể là một bộ sách có giá trị sưu tầm theo thời gian.
Trong khả năng của mình, tôi sẽ cố gắng làm cho phiên bản sách giới hạn đó đẹp nhất có thể. Còn thời gian này, sau tập tản văn “Chúng ta sống có vui không?” (2020), tôi thật sự muốn chia sẻ một góc nhìn khác của mình về cuộc sống thông qua hình thức tản văn với tập tiếp theo vừa ra mắt độc giả. Viết tản văn là một lối viết rất khác, tôi xem đó cũng là một thử thách với nghề viết mà mình phải cố gắng làm tốt nhất có thể.
Phóng viên: Hiện nay dường như sự lấn lướt của mạng xã hội, thói quen nghe nhìn đã khiến nhiều người giảm sút sự quan tâm và tình yêu đối với văn chương. Anh nghĩ sao về điều này?
Nguyễn Phong Việt: Đó là sự thay đổi tất yếu, chúng ta có muốn ngăn lại cũng không được. Tuy nhiên, tôi luôn cho rằng với một tác phẩm văn chương hay, vẫn luôn sẽ có những độc giả chờ đợi và đón nhận nó. Chỉ là vào giai đoạn này, chúng ta cảm giác mọi thứ trầm lắng lại trước sự sôi động của mạng xã hội cũng như các phương tiện giải trí hiện đại. Nhưng dòng chảy ngầm của những độc giả yêu thích văn chương chưa bao giờ mất đi. Việc của các tác giả là hãy cố gắng tạo ra những tác phẩm hay nhất trong cuộc đời mình mà thôi.
Cuốn sách mới ra mắt của Nguyễn Phong Việt. (Ảnh: PHI HÙNG) |
Phóng viên: Dõi theo cuộc sống của anh, có thể thấy anh dành nhiều thời gian cho con trai mình, kiên nhẫn lắng nghe, tâm tình và làm bạn cùng con. Đọc những dòng anh viết cho con, tôi nghĩ nhiều về “giá trị gia đình” hiện nay…
Nguyễn Phong Việt: Tôi là kiểu “ông bố bỉm sữa”. Tôi dành tình yêu lớn lao cho con trai của mình nhưng tôi không đặt ra bất cứ áp lực nào cho bạn ấy. Tôi và bạn ấy thỏa thuận với nhau mỗi người có một trách nhiệm sống, hãy cố gắng hoàn thành nó tốt nhất với năng lực của bản thân, vậy là đủ. Còn giá trị gia đình ngày hôm nay, tôi cho rằng đã thay đổi rất nhiều so với các thế hệ trước. Tôi chỉ mong là hình thái gia đình dù thay đổi theo cách nào, thì các bậc phụ huynh đều phải là những người thật sự hiểu biết trong việc nuôi và dạy con cái của mình. Đó vừa là trách nhiệm cũng vừa là niềm vui sống của chính chúng ta, những người chọn đưa con mình đến với cuộc đời này.
Phóng viên: Cảm ơn anh về những chia sẻ cởi mở, chân thành!
Nguyễn Phong Việt sinh năm 1980 tại Tuy Hòa, Phú Yên, hiện đang sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Anh từng ba lần đạt được giải thưởng "Bút mới" của báo Tuổi trẻ. Các tập thơ tiêu biểu đã xuất bản: Đi qua thương nhớ, Từ yêu đến thương, Sống một cuộc đời bình thường, Bao nhiêu thương nhớ cho vừa,…