Móng Cái nỗ lực chuyển đổi số

Thực hiện đề án phát triển thành phố thông minh và chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025, định hướng đến 2030, Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) đã sớm xây dựng, ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 trên địa bàn với trọng điểm là xây dựng dữ liệu số, tạo bứt phá về chuyển đổi số toàn diện với ba định hướng trọng tâm là người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên ngân hàng hướng dẫn hộ kinh doanh tại chợ Móng Cái thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhân viên ngân hàng hướng dẫn hộ kinh doanh tại chợ Móng Cái thanh toán không dùng tiền mặt.

Móng Cái chú trọng chuyển đổi số hiệu quả trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến xây dựng thành phố thông minh, từng bước nâng cao hiệu quả cung cấp tiện ích phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, người dân và doanh nghiệp.

Xây dựng công dân số thông minh

Ứng dụng công dân số thông minh và phản ánh hiện trường “Móng Cái Smart” là nền tảng số thể hiện sự tiên tiến, phù hợp với thực tiễn yêu cầu trong đổi mới quản lý, sáng tạo trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Móng Cái. Việc cung cấp dịch vụ đô thị thông minh thông qua ứng dụng, với 13 tính năng, hợp phần chính giúp người dân tương tác trực tiếp với cơ quan nhà nước một cách nhanh nhất và tiếp cận với các thông tin tiện ích...

Với tiện ích “Phản ánh hiện trường”, người dân và doanh nghiệp có thể gửi thông tin phản ánh các vấn đề đời sống dân sinh như an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, văn hóa thông tin, y tế cơ sở... lên các cấp chính quyền địa phương một cách nhanh chóng, thuận lợi thông qua ứng dụng Móng Cái Smart. Công dân có thể xem được kết quả xử lý của các phản ánh khác và đánh giá kết quả xử lý của các cơ quan chính quyền thông qua 3 mức: hài lòng, chấp nhận và không hài lòng.

Ông Nguyễn Văn Sửu, ở phường Ka Long chia sẻ: “Sau một thời gian cài đặt ứng dụng Móng Cái Smart, tôi thấy rất tiện lợi, hữu ích. Người dân có thể phản ánh kịp thời, chính xác những thông tin bất cập về đời sống dân sinh đến các cơ quan chức năng. Bản thân tôi cũng đã gửi lên ứng dụng một ý kiến phản ánh liên quan đến trật tự xây dựng và đã được cơ quan chức năng xử lý và trả lời rất nhanh”.

Thành phố Móng Cái là một trong những địa phương đi đầu trong 13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Ninh công bố, vận hành ứng dụng công dân số thông minh và phản ánh hiện trường “Móng Cái Smart” phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chị Nguyễn Thị Lan, hộ kinh doanh ở Móng Cái cho biết: Tôi đánh giá cao việc thanh toán qua quét mã QR, thực hiện công nghệ hiện đại, rất nhanh chóng, tiện và an toàn cho cả người tiêu dùng và hộ kinh doanh trong giao dịch”.

Hướng đến thành phố thông minh, hiện đại

Ðể vận hành Trung tâm Ðiều hành đô thị thông minh, thành phố đã thành lập tổ công tác trực, vận hành tại trung tâm với 18 nhiệm vụ, theo mô hình thống nhất các nhiệm vụ giữa chính quyền điện tử, Trung tâm Hành chính công và Trung tâm Ðiều hành bảo đảm tập trung, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ðến nay, thành phố triển khai, vận hành 22 tính năng, hợp phần của thành phố thông minh, trong đó có 10 tính năng dành cho công chức và 12 tính năng, hợp phần dành cho công dân.

Cùng với đó, thành phố cũng sớm triển khai hệ thống ứng dụng hệ thống camera cảm biến để giám sát các hoạt động tại Trung tâm Hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, Bộ phận tiếp công dân của các xã, phường; hệ thống camera tại các cửa khẩu, điểm kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.

Thành phố đang tiếp tục triển khai đề án xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh, cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái; chuẩn hóa các phần mềm trong quá trình ứng dụng triển khai, để thực hiện thành công mô hình trên cơ sở nền tảng cửa khẩu số, bảo đảm công khai, minh bạch, hiện đại. Việc xây dựng mô hình không thay đổi quy trình của các ngành, mà kết nối các lực lượng liên ngành tại cửa khẩu để chia sẻ cơ sở dữ liệu; tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thông quan, đồng thời thích ứng với chuyển đổi cửa khẩu số phía Trung Quốc.

Ông Ðỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái

Ðể tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách có thể truy cập, tra cứu các thông tin tại các điểm du lịch, ngay từ đầu năm 2023, thành phố Móng Cái triển khai thí điểm hệ thống wifi miễn phí công cộng tại các tuyến, điểm du lịch như đền Xã Tắc, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, Khu du lịch quốc gia Trà Cổ... Việc đưa vào sử dụng ứng dụng điện thoại Móng Cái smart đã giúp du khách thuận tiện hơn khi muốn tìm hiểu thông tin về du lịch, các nội dung liên quan đến hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Bà Phạm Thị Oanh, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thành phố Móng Cái, cho biết: “Chúng tôi tận dụng tối đa nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo... để tuyên truyền kịp thời các hoạt động du lịch tại địa bàn, quảng bá giới thiệu du lịch, văn hóa thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thời gian tới, thành phố Móng Cái tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động du lịch bám sát với nhu cầu thực tế tại địa phương, ứng dụng chuyển đổi số”.

Thành phố cũng lập nhóm Zalo và thiết lập kênh truyền thông chuyển đổi số trên Zalo của thành phố đến người dân và từng xã phường, phòng ban; hoàn thành việc hợp nhất và đưa vào vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, thành phố tích hợp, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia và kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Ðề án 06 của Chính phủ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.

Với quyết tâm cao, thành phố Móng Cái đang tập trung chuyển đổi số toàn diện và xác định đây vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách để xây dựng và phát triển. Việc chuyển đổi số có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc và luôn gắn với sự phát triển thành phố hiện đại, thông minh trong tương lai.