Một phần cánh đồng thôn Bản Diếu, xã Ngọc Phái thay vì mầu xanh của lúa thì nay chỉ còn trơ toàn sỏi, đá. Ruộng lúa bị vùi lấp nên năm nay hàng chục hộ dân ở đây mất mùa.
Theo thống kê, sau trận mưa lớn giữa tháng 6 vừa qua, đã có gần 1ha đất ruộng và nhiều ao nuôi cá của người dân ở thôn Bản Diếu bị ảnh hưởng. Trên cánh đồng, đất, đá vùi lấp lúa gần đến ngọn, một số bùn ngập ngang gốc, tất cả đã mất trắng.
Anh Nông Văn Huấn, thôn Bản Diếu xót xa, gia đình tôi có 500m2 ruộng, sắp đến kỳ thu hoạch thì giờ đã bị vùi lấp toàn bộ, bao nhiêu công sức coi như đổ bể.
Sát với ruộng của anh Huấn là diện tích 1.300m2 ruộng của bà Nguyễn Thị Tỵ cũng trong cảnh tương tự. Bà Tỵ cho biết, từ khi làm đường, doanh nghiệp đổ thải ra ta-luy âm, rồi đập đất hồ điều hòa của nhà máy chế biến khoáng sản phía trên bị trôi góc cửa xả thì ruộng nhà tôi liên tục bị vùi lấp. Gia đình hết sức lo lắng vì chỉ có diện tích đất canh tác này, nay bị trôi hết cũng chưa biết phải làm thế nào.
Tình trạng sạt lở này đã diễn ra từ năm 2018 đến nay nhưng chậm được ngành chức năng chỉ đạo khắc phục. UBND huyện Chợ Đồn đã gửi rất nhiều văn bản kiến nghị, đề nghị cấp tỉnh kiểm tra, phối hợp, xem xét giải quyết, tuy nhiên việc xử lý vẫn không triệt để.
Ngày 17-2, UBND huyện đã có công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, việc sạt lở đất, đá đã diễn ra từ năm 2018. UBND huyện đã ban hành các văn bản đề nghị trực tiếp một số đơn vị liên quan và báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục, xử lý triệt để, hỗ trợ thiệt hại, gây bức xúc trong nhân dân.
Hiện nay, đã đến thời điểm gieo trồng, sản xuất vụ xuân, đồng thời sắp đến mùa mưa lũ nên việc khắc phục là rất cấp bách. Kiến nghị rõ nhưng vẫn chậm khắc phục nên đến tháng 6, hậu quả chỉ người dân lãnh chịu.
Đến cuối tháng 6 vừa rồi, Sở Tài nguyên và Môi trường đi kiểm tra và có báo cáo lên UBND tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy, suối Khau Củm từ chân đập hồ điều hòa của Công ty TNHH Ngọc Linh đến cánh đồng Bản Diếu dài khoảng 2km bị bồi lắng nghiêm trọng, đất, đá từ suối chảy tràn vào ruộng và ao cá của dân, một số vị trí lòng suối giờ đã cao hơn mặt ruộng.
Thân đập hồ điều hòa tại khu vực đường dẫn nước cửa xả cũ và bãi đổ đất, đá thải của Công ty TNHH Tân Thịnh đổ trong đất của Công ty TNHH Ngọc Linh bị sạt xuống suối, trên thân đập xuất hiện các vết nứt có nguy cơ mất an toàn; đất, đá từ đường tỉnh 254 theo nước mưa chảy tràn qua cống tại vị trí Km75+800 vào suối.
Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, nguyên nhân chính gây bồi lắng là do sạt lở đất, đá tại khu vực đường dẫn cửa xả cũ của hồ điều hòa và bãi đất, đá thải do Công ty TNHH Tân Thịnh đổ vào phần đất của Công ty TNHH Ngọc Linh.
Do vậy, Sở đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH Ngọc Linh khẩn trương gia cố thân đập hồ điều hòa; xây dựng phương án bảo đảm an toàn vùng hạ du hồ điều hòa; thực hiện an toàn đập, hồ chứa theo đúng quy định, thời gian xong trước ngày 15-7. Gia cố chân bãi đất, đá thải của Công ty TNHH Tân Thịnh đổ trong phần đất của Công ty TNHH Ngọc Linh; đền bù thiệt hại, hỗ trợ sản lượng cho người dân bị ảnh hưởng xong trước 30-7; phối hợp ngành chức năng tính toàn mức độ bồi lấp suối Khau Củm.
Để có nước phục vụ cho vụ mùa 2020, yêu cầu Công ty TNHH Ngọc Linh khơi thông suối trước 30-7; xây dựng phương án, nạo vét dòng suối bảo đảm sử dụng lâu dài xong trước 30-8; lập lại hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhà máy điện phân chì, kẽm Bắc Kạn xong trước 30-7.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Bắc Kạn (chủ đầu tư dự án mở rộng, nâng cấp đường tỉnh 254) tiến hành thống kê, đền bù thiệt hại cho người dân đối với ruộng ngô bị bồi lấp tại Km75+400, đồng thời có phương án gia cố bờ bao hạ lưu cống tại hai vị trí Km75+400 và Km75+800.
Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Linh Trần Thiên Ân cho biết, trước 30-7, công ty đền bù cho bà con. Còn đến 30-8, công ty chỉ khắc phục đất đá tràn vào suối, chứ khắc phục triệt để thì phải có thời gian.
Mặc dù vậy, qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng sạt lở này là do trong quá trình thi công mở rộng, nâng cấp đường tỉnh 254, chủ đầu tư không chủ động bố trí các bãi đổ thải. Nhiều nhà thầu tự đi tìm, thỏa thuận bãi đổ thải. Do vậy, tháng 9-2018, Công ty TNHH Tân Thịnh, nhà thầu thi công dự án đường tỉnh 254, đã tự thỏa thuận với Công ty TNHH Ngọc Linh đổ đất, đá thải sau thi công vào phần đất của Công ty TNHH Ngọc Linh.
Theo UBND huyện Chợ Đồn, qua giám sát, việc đổ đất trên là không an toàn, có nguy cơ sạt lở cao, chưa kể, quá trình thi công đường tỉnh 254 còn có một phần đất, đá trôi xuống suối và đất nông nghiệp của người dân. Dự án đường tỉnh 254 đã làm xong nhưng đến nay vẫn chưa nghiệm thu, bàn giao. Hiện tại, trên toàn tuyến liên tục xảy ra sạt lở khiến đất, đá trôi vào nhiều diện tích canh tác của người dân nhưng chưa được khắc phục.Việc sạt lở đã diễn ra gần ba năm nhưng chậm được khắc phục khiến nhân dân mất niềm tin. Bởi lẽ, từ tháng 3-2020, ngành chức năng tỉnh đã kiểm tra một lần, yêu cầu Công ty TNHH Ngọc Linh hoàn thành gia cố bờ bao đập xong trước 20-4; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh khắc phục bồi lấp do thi công dự án mở rộng, nâng cấp đường tỉnh 254 xong trong tháng 4-2020. Tuy nhiên, đến tháng 6, những chỉ đạo này vẫn chỉ nằm trên giấy và hậu quả ra sao thì chỉ người dân xã Ngọc Phái là thấu hiểu.