Mỗi thẩm phán phải trở thành một tuyên truyền viên về an toàn giao thông

NDO - Hệ thống tòa án nhân dân tổ chức tốt việc xét xử các vụ án để mỗi vụ án, mỗi thẩm phán phải trở thành một tuyên truyền viên về an toàn giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
Ký kết chương trình phối hợp.
Ký kết chương trình phối hợp.

Chiều 5/7, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức Lễ ký kết “Chương trình phối hợp thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2023-2030”.

Chương trình được xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phát huy thế mạnh và nguồn lực sẵn có của hệ thống Tòa án nhân dân, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Ban An toàn giao thông các cấp, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành và hành vi tuân thủ pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân.

Góp phần kéo giảm tai nạn giao thông một cách bền vững và hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông, hướng tới hệ thống giao thông vận tải an toàn, thuận tiện và thân thiện với môi trường.

Dự lễ ký các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

Theo Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ, thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tích cực tham gia hưởng ứng, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đã đạt được những kết quả tích cực. Tai nạn giao thông trên toàn quốc đã kéo giảm ở cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương.

Kết quả này có sự đóng góp của hệ thống tòa án nhân dân thông qua công tác xét xử các vụ án liên quan tai nạn giao thông được thực hiện một cách kịp thời, công khai, đúng pháp luật.

Thời gian tới, Chương trình tiếp tục phát huy hiệu quả, thế mạnh và nguồn lực sẵn có giữa hai cơ quan.

Đổi đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Trong đó, tập trung phổ biến, tuyên truyền thông qua công tác xét xử, các bản án, quyết định của Tòa án về các vụ việc liên quan hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông được Tòa án nhân dân các cấp xét xử.

Góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong các tầng lớp nhân dân.

Mỗi thẩm phán phải trở thành một tuyên truyền viên về an toàn giao thông ảnh 1

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu ý kiến.

Phát biểu ý kiến, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, Chỉ thị 23 ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư, Nghị quyết 48 ngày 5/4/2022 của Chính phủ, Chỉ thị 10 ngày 19/4/2023 của Thủ tướng đều yêu cầu đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách, quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông sao cho phù hợp, hấp dẫn với từng nhóm đối tượng. Lấy thay đổi hành vi là tiêu chí đánh giá hiệu quả truyền thông.

Trong nhóm giải pháp này, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá cao việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông thông qua các hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân; nhất là công tác xét xử, trực tiếp hoặc phối hợp các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan để tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Yêu cầu đặt ra là cần làm rõ nguyên nhân, hậu quả, trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông; xây dựng các án lệ liên quan xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự, an toàn giao thông để xử lý kịp thời, nâng cao tác dụng giáo dục và răn đe với các vi phạm trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng khẳng định, những bản án xét xử các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông sẽ là nguồn tư liệu, tài liệu quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; có tác động mạnh mẽ tới nhận thức, hành vi của người tham gia giao thông. Điều này cần được chú trọng trong thời gian tới.

Mỗi thẩm phán phải trở thành một tuyên truyền viên về an toàn giao thông ảnh 2

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đề nghị, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung phối hợp.

Tòa án nhân dân các cấp chủ động xây dựng kế hoạch hành động, lồng ghép mục tiêu về bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào các kế hoạch hoạt động hằng năm của từng đơn vị.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị, hệ thống tòa án nhân dân tổ chức tốt việc xét xử các vụ án để mỗi vụ án, mỗi thẩm phán phải trở thành một tuyên truyền viên về an toàn giao thông.

Về việc công khai bản án trên cổng thông tin điện tử tòa án, đồng chí Nguyễn Hoà Bình cho biết, trong số hơn 1 triệu bản án được công khai có hơn 10 nghìn bản án về giao thông; và khẳng định, chỉ cần 1% bản án được cập nhật để nhân dân tiếp cận được, chính là kênh tuyên truyền, giáo dục hiệu quả nhất.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình mong muốn thời gian tới, các nội dung ký kết với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, quyết liệt hơn nữa sẽ góp phần tuyên truyền hiệu quả về an toàn giao thông.

Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục chỉ đạo trong toàn hệ thống triển khai nghiêm túc để chương trình đi vào cuộc sống để mỗi bản án xét xử đúng người, đúng việc, đúng tội, thể hiện tính nhân văn, nâng cao dân trí về pháp luật an toàn giao thông.