Khoảng hai tháng gần đây, ông L.V.L., 59 tuổi, quê ở Hà Giang xuất hiện ho nhiều, ho có đờm đặc kèm theo đau ngực. Ông L. đã đến một bệnh viện tại Hà Nội khám và kết quả được chuẩn đoán u phổi phải. Trước đó qua khai thác tiền sử, bệnh nhân có tới hơn 40 năm sử dụng thuốc lá liên tục.
Tuy nhiên, để khẳng định chắc chắn, bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa Medlatec kiểm tra lại. Tại đây, ông được các chuyên gia chỉ định sinh thiết u phổi dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính.
Thủ thuật này được ThS, BSNT Đào Danh Vĩnh - Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và BSCKI Nguyễn Bá Phong - Chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh trực tiếp thực hiện. Sau ba ngày, kết quả mô bệnh học là ung thư biểu mô vảy xâm nhập.
Việc chẩn đoán sớm bản chất khối u đã giúp bệnh nhân được chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh, để từ đó ông sĩ đưa ra phác đồ điều trị kịp thời, giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Trường hợp của bệnh nhân L.V.L., chỉ là một trong số rất nhiều ca mắc ung thư phổi do hút thuốc lá.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong do ung thư ở phụ nữ (chỉ sau ung thư vú). Mỗi năm có hơn 20 nghìn người mắc ung thư phổi, trong đó có đến 17 nghìn người đã tử vong, 56 người mắc mới mỗi ngày. Đáng báo động hơn là tình hình mắc bệnh này có xu hướng ngày càng tăng.
Thực tế cho thấy, bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc căn bệnh quái ác này, tuy nhiên, có những đối tượng sẽ có nguy cơ mắc cao hơn như người hút thuốc lá (chủ động và thụ động). Theo thống kê, có đến hơn 80% các trường hợp ung thư phổi có liên quan đến khói thuốc lá. Trong thuốc lá có đến hơn hai nghìn chất độc hại dẫn đến sự tăng sinh bất thường của tế bào. Không chỉ thuốc lá mà hút thuốc lào cũng khiến nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn.
Trong không khí có rất nhiều tác nhân có thể gây ung thư phổi, như: bụi mịn và các khí độc CO, NOx,... Chất lượng không khí xấu, cơ quan chịu ảnh hưởng đầu tiên chính là lá phổi. Người có ngành nghề trực tiếp tiếp xúc với hóa chất thường xuyên: thợ sơn, công nhân sản xuất pin, linh kiện điện tử,... cũng có nguy cơ cao mắc ung thư phổi.
BS Vĩnh cho biết, ung thư phổi là bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao, tuy nhiên nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời thì có thể kéo dài thời gian sống, thậm chí chữa khỏi.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh ung thư phổi diễn biến thầm lặng, bệnh nhân cần đi thăm khám để được tư vấn chuyên sâu tại các cơ sở y tế chuyên khoa, nếu xuất hiện các triệu chứng sau: Ho kéo dài hơn hai tuần; Ho ra máu, máu lẫn đờm, máu thường sẫm màu. Đây là yếu tố tiên lượng xấu, nên khi xuất hiện những triệu chứng trên, bệnh nhân nên đi khám ngay.
Bệnh nhân có biểu hiện đau ngực, uống thuốc giảm đau không thuyên giảm, khó thở, mệt mỏi, sút cân, đau đầu, yếu liệt tay, chân; Các dấu hiệu liên quan đến nội tiết như: Sưng đau các khớp nhỡ và nhỏ, sạm da, móng tay và móng chân khum, ngón dùi trống, thay đổi tâm tính, hay lo lắng, nóng giận, trầm cảm cũng cần đến cơ sở y tế thăm khám sớm.