Mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh

NDO -

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, hai dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò, vị trí quan trọng đối với 2 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, giải quyết được điểm nghẽn về quy hoạch không gian đô thị, hạ tầng giao thông của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội, sáng 10/6. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội, sáng 10/6. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Hành lang giao thông-kinh tế

Tiếp thu, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận về chủ trương đầu tư 2 dự án, sáng 10/6, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, các ý kiến sâu sắc, xác đáng của các đại biểu Quốc hội đã tập trung gợi mở rất nhiều vấn đề về giải phóng mặt bằng, quy mô, phân kỳ đầu tư, hình thức đầu tư, nguồn vốn, khả năng hấp thụ vốn, báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với việc tăng công suất khai thác các vật liệu làm khoáng sản, làm vật liệu xây dựng thông thường lên 50%. Theo Bộ trưởng, các ý kiến này sẽ được tiếp thu và tiếp tục làm rõ trong báo cáo khả thi và trong quá trình tổ chức triển khai.

Làm rõ về tính cấp thiết của 2 dự án, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của cả 2 dự án đối với 2 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, giải quyết được điểm nghẽn về quy hoạch không gian của đô thị, về hạ tầng giao thông của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Bộ trưởng, 2 vùng này đóng góp rất lớn đối với cả nước và có vai trò quan trọng, nhưng hiện nay đang chững lại do các điểm nghẽn, đặc biệt về quy hoạch không gian đô thị cũng như về hạ tầng giao thông.

“Hai vấn đề lớn nhất hiện nay của Hà Nội và Thành phố Chí Minh là tắc nghẽn giao thông và ngập úng. Nếu chúng ta không giải quyết tập trung, giải quyết nhanh ngay thì vừa làm cản trở phát triển, vừa phải trả giá rất nhiều về cả thời gian và công sức, tiền bạc”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Bộ trưởng cho biết thêm, chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội đã coi hạ tầng là 1 trong 3 chiến lược đột phá để phát triển. Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác chuẩn bị và lần này được Quốc hội ủng hộ, tạo điều kiện cho các cơ chế, chính sách đặc thù để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có thể thực hiện đồng bộ nhiều dự án giao thông quan trọng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mục đích các dự án lần này có sự thay đổi về cách tiếp cận. Theo đó, phải bảo đảm được kết nối vùng, liên kết vùng, giảm ùn tắc, ô nhiễm; mở rộng được không gian phát triển cho 2 thành phố và cho cả vùng; phải nâng cao sức cạnh tranh và phải biến nó thành động lực phát triển.

Mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh -0
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội, sáng 10/6. (Ảnh: NGUYÊN KHOA)

Bộ trưởng nêu rõ, mục tiêu không chỉ để hình thành 1 tuyến hành lang giao thông mà phải biến nó thành 1 hành lang kinh tế, phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên, bảo đảm giá trị địa tô, lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Giải quyết những “nút thắt”

Đề cập đến các khó khăn, vướng mắc trong triển khai 2 dự án, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giải phóng mặt bằng là 1 nút thắt rất lớn, trong kỳ họp lần này đã bàn rất nhiều, ảnh hưởng không chỉ đến đầu tư công mà còn đến tất cả các nguồn vốn của xã hội.

Theo Bộ trưởng, lần này cần phải tập trung để đẩy nhanh tiến độ và có những giải pháp bảo đảm hiệu quả cao để không phải điều chỉnh dự án, không tăng tổng mức đầu tư, không làm xáo trộn sự ổn định đối với người dân.

Thống nhất với ý kiến các đại biểu Quốc hội đã nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý, cần phải có hướng dẫn để bảo đảm chính sách đền bù ở vùng giáp ranh không có khiếu kiện làm kéo dài thời gian, đồng thời phải quản lý chặt chẽ để không có sự tái lấn chiếm.

Về quy mô dự án, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, đối với Vành đai 4 vùng Thủ đô quy mô quy hoạch là 6 làn xe và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh quy mô 8 làn xe. Thiết kế như vậy là căn cứ vào nhu cầu và khả năng cân đối vốn của của giai đoạn 1 và chỉ đầu tư 1/2 của quy hoạch này.

Về việc chưa làm làn dừng khẩn cấp, Bộ trưởng cho biết, nếu làm thêm làn dừng khẩn cấp sẽ phải tăng thêm khoảng 6.500 tỷ đồng, gây ảnh hưởng đến vấn đề cân đối nguồn vốn. Do đó, trong quá trình lập dự án, thiết kế dự án cũng đã tính toán các điểm dừng phù hợp bảo đảm không bị ách tắc giao thông mà vẫn bảo đảm trong điều hành. Đặc biệt, khi tăng cường điều hành giao thông thông minh, theo Bộ trưởng sẽ chắc chắn khắc phục được, đồng thời vẫn bảo đảm hiệu quả của dự án và an toàn giao thông.

Về hình thức đầu tư, theo Bộ trưởng, chủ trương đầu tư là xã hội hóa, kêu gọi các nguồn lực của xã hội để tham gia cùng Nhà nước để đầu tư hạ tầng. Vành đai 4 vùng Thủ đô đã thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng. Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh mặc dù có nghiên cứu đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhưng chưa thu hút được, trong khi đây là dự án có tính cấp bách, quan trọng, phải đầu tư sớm. Do đó, trông chờ vào đầu tư tư nhân là rất khó nên theo Bộ trưởng, việc chuyển sang đầu tư công đối với dự án đường Vành đai 3 là hợp lý và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng làm rõ sự khác nhau về suất đầu tư giữa hai dự án. Theo đó, do 2 dự án thiết kế khác nhau và có điều kiện cụ thể khác nhau, còn phương pháp tính đã làm đúng các quy trình và quy định, được Bộ Xây dựng rà soát.

“Sự khác nhau là Vành đai 4 có 1 cầu cạn dài 66,72km, chiếm 59%, có 3 cầu lớn vượt sông Hồng và sông Đuống, 8 nút giao; trong khi Vành đai 3 thì cầu cạn chỉ có 12,75km, chiếm 17% và có 6 nút giao. Ngoài ra, giải phóng mặt bằng cũng có đơn giá khác nhau và chi phí khác nhau nên ảnh hưởng đến suất đầu tư khác nhau là như vậy”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Về nguồn vốn và khả năng hấp thụ vốn, Bộ trưởng giải thích, theo Luật Giao thông đường bộ và Luật Ngân sách nhà nước, việc đầu tư 2 tuyến vành đai này là thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương. Nhưng do khó khăn và hạn chế của nguồn lực của ngân sách Trung ương và do nhu cầu cần phải đầu tư sớm, các địa phương đã tính toán sự cần thiết và cân đối, bố trí tham gia cùng với ngân sách Trung ương. Do đó, Bộ trưởng cho rằng, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cùng tham gia đầu tư 2 tuyến này là phù hợp.

Liên quan chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn di dời các công trình hạ tầng hay xây dựng, tái định cư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, vấn đề này Chính phủ hoàn toàn ủng hộ phân cấp cho địa phương và đề nghị Quốc hội ủng hộ phương án này.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của địa phương trong việc quản lý chặt chẽ quỹ đất ở 2 bên đường, từ quy hoạch cho đến quản lý, khai thác, đấu thầu, thu tiền về cho Nhà nước, phát triển bài bản, đúng quy hoạch. Nhấn mạnh việc này rất quan trọng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương và các đoàn biểu Quốc hội giám sát đối với việc khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất dọc tuyến của 2 dự án vành đai này.

Mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: LINH KHOA) 

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành sự cần thiết đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm, 2021-2030, đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua và phù hợp Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến các đại biểu để xây dựng báo cáo tiếp thu giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh trình Quốc hội xem xét thông qua.

Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km, qua địa phận thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 85.813 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư để thực hiện đầu tư dự án.

Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài tuyến là 76,34km, đi qua Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 75.378 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư.

Dự kiến thời gian thực hiện 2 dự án này từ năm 2022-2027.

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV