MarTech là sự tổng hòa giữa tiếp thị (marketing), công nghệ (technology) và quản lý (management) mà những người làm marketing nắm bắt công nghệ có thể cung cấp các chiến dịch hấp dẫn và được ghi nhận trong trải nghiệm khách hàng.
Nâng cao năng lực trong nghiên cứu ứng dụng MarTech (công nghệ marketing) đang được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) triển khai cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) tiêu biểu trong khuôn khổ chương trình thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844).
Ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844 cho biết, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ mạng 5G… đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi khía cạnh của xã hội, đặc biệt là hình thành loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, hay còn gọi là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Thời gian qua, Đề án 844 đã tập trung xây dựng nền tảng nhằm nâng cao năng lực, nhận thức chung, truyền tải văn hóa khởi nghiệp cũng như hỗ trợ cho những chính sách liên quan ra đời. Các nhóm nhiệm vụ thuộc Đề án 844 đã được triển khai với hàng trăm khóa đào tạo cùng hàng nghìn người tham gia.
Hiện nay, các startup đã được các chuyên gia hàng đầu MarTech chia sẻ về: Tổng quan hệ sinh thái MarTech toàn cầu trong những năm gần đây cũng như xu hướng MarTech trong những năm tới; tầm quan trọng của việc hiểu và ứng dụng công nghệ marketing phù hợp doanh nghiệp trong xu thế hiện nay; ứng dụng công nghệ marketing đối với doanh nghiệp trước bối cảnh hội nhập quốc tế.
Các chuyên gia cho rằng, MarTech ra đời đánh dấu sự chuyển mình từ marketing truyền thống sang marketing công nghệ số, từ đó đặt ra cho doanh nghiệp nhiều cơ hội và thách thức trong việc bắt kịp xu hướng và nâng cao tính hiệu quả của hoạt động marketing. Chuyên gia Lương Thành Long, CEO Hub PlatformLi cho rằng, việc ứng dụng công nghệ marketing là phù hợp doanh nghiệp trong xu thế hiện nay.
Ngoài ra, phương pháp xây dựng ngăn xếp công nghệ marketing (MarTech stack) phù hợp từng loại hình doanh nghiệp; công cụ tìm kiếm khách hàng tự động cho doanh nghiệp.
Thời gian qua, lĩnh vực MarTech đã có bước phát triển nhảy vọt, và khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một thị trường rộng lớn cho sự phát triển của ngành.
MarTech cùng với chuyển đổi số đang dần thay đổi chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu vực; giúp mở rộng cơ hội hợp tác, đầu tư tiềm năng trong nước và nước ngoài giữa các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các thương hiệu liên tục tìm kiếm những công cụ và công nghệ MarTech phù hợp để giải mã dữ liệu khách hàng, tạo ra các giải pháp liền mạch để tăng trưởng.
Không chỉ MarTech, hiện nay, việc tổ chức hoạt động hỗ trợ kết nối công nghệ và xây dựng mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những hoạt động thiết thực, phù hợp xu hướng chung của quốc tế và quốc gia. Qua đó, góp phần tạo động lực và lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh liên kết, kết nối các chủ thể trong hệ thống và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Mới đây, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã phối hợp Trường đại học Cửu Long (Vĩnh Long) nghiên cứu và hội thảo về kết nối công nghệ và mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Qua đó, các nhà khoa học đã chỉ rõ bức tranh thực tiễn và nhu cầu từ trường đại học trong việc thúc đẩy trường đại học khởi nghiệp, sáng kiến kết nối nguồn lực quốc tế phát triển chương trình đào tạo đội ngũ doanh nhân công nghệ tại cơ sở đào tạo tại Việt Nam và áp dụng tư duy đổi mới sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu khoa học vào hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Cửu Long cho biết, hoạt động đào tạo về công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được Trường đại học Cửu Long đặc biệt chú trọng phát triển và đưa vào giảng dạy cùng với các hoạt động ngoại khóa trong nhiều năm qua.
Hoạt động này đã giúp sinh viên không chỉ được đào tạo để nhận bằng đại học, tìm kiếm việc làm mà còn có thể tự thân lập nghiệp, tạo ra những giá trị để góp phần vào sự phát triển của địa phương và đất nước.
Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho rằng, tư duy của lãnh đạo các trường đại học nên theo xu hướng ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo ra nhiều giá trị hơn với ít nguồn lực hơn và trong thời gian ngắn hơn.
Từ việc nắm bắt được thực trạng, nhu cầu, nguồn lực và đưa ra các giải pháp, hướng ưu tiên giải quyết bằng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Với bức tranh tổng thể, lãnh đạo nhà trường sẽ định hướng các chuyên ngành đào tạo, thị trường đầu ra cho sinh viên, đồng thời thiết lập các liên kết cần thiết để tạo điều kiện ngay cho sinh viên khi còn ở trên ghế nhà trường được tiếp cận và tham gia các chương trình liên kết, các dự án nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo chung giữa Việt Nam và quốc tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, vai trò lãnh đạo trường đại học trong kết nối công nghệ và xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp, mô hình đổi mới sáng tạo mở và thúc đẩy liên kết Chính phủ-doanh nghiệp-viện, trường trong xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Việc kết nối công nghệ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần tạo không gian làm việc cho hoạt động kết nối công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho người có ý tưởng, hình thành hệ sinh thái, kết nối giữa các trường đại học với các chuyên gia, các nhà đầu tư, các dự án trong nước và quốc tế, cũng như phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học…