Những năm qua, sản xuất và xuất khẩu gia vị, hương liệu nói chung có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế và xu hướng xuất khẩu của Việt Nam.
Thông tin này được ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công thương nhấn mạnh tại Hội nghị Giao thương trực tuyến sản phẩm gia vị và hương liệu Việt Nam năm 2021 do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức chiều 8/9.
Theo ông Lê Hoàng Tài, với lợi thế địa lý trải dài trên nhiều vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, Việt Nam có sự đa dạng sinh học để tạo ra được những sản phẩm nông sản gồm các loại gia vị và hương liệu có những hương vị cũng như chất lượng rất đặc trưng, khác biệt với những sản phẩm cùng loại trên thế giới.
Thông qua đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ kỹ thuật, các đối tác nhập khẩu, các nhà phân phối bán buôn, bán lẻ cũng như người dân nhiều khu vực trên thế giới đã có cái nhìn khác đối với quá trình hiện đại hóa và đổi mới của ngành gia vị và hương liệu của Việt Nam.
Do đó, hoạt động này sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp trong ngành gia vị và hương liệu đi qua thời kỳ khó khăn và phát triển bền vững theo hướng giảm dần các sản phẩm thô, tăng cường các sản phẩm chế biến chuyên sâu có giá trị gia tăng cao hơn.
Ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh, trong số các loại gia vị của Việt Nam, hạt tiêu đã rất nổi tiếng trên thị trường thế giới và chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu và nhiều loại gia vị, hương liệu khác của thế giới đang tăng trong khi một số nguồn cung giảm lượng xuất khẩu do những bất cập gây ra từ dịch Covid-19, chi phí logistics tăng vọt.
Trên thế giới, EU là thị trường tiêu thụ lớn nhất về gia vị, tiếp theo là Bắc Mỹ, Đông Á, một số nước Nam Á, Trung Đông... Trong EU, Đức là nước tiêu thụ hàng đầu gia vị và thảo mộc, tiếp theo là Anh.
Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu gia vị và hương liệu của Việt Nam đang ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của các đối tác nước ngoài, có khả năng cung ứng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt và an toàn cho nhiều nhà nhập khẩu hàng đầu và các kênh phân phối cao cấp tại nhiều khu vực trên thế giới.
Tuy nhiên, để có ưu thế cạnh tranh trên thị trường gia vị và hương liệu trên thế giới, sau khi Việt Nam kiểm soát ổn thỏa tình hình dịch Covid-19, ông Lê Hoàng Tài cho rằng các địa phương và doanh nghiệp cần có kế hoạch khôi phục sản xuất, ứng dụng các công nghệ tiên tiến phục vụ chế biến, phát triển đa dạng loại hình sản phẩm, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam đã tham gia gần đây để thúc đẩy xuất khẩu.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Trọng Kim, Bí thư thứ nhất, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Saudi Arabia cho hay Saudi Arabia tiêu thụ rất nhiều loại gia vị khác nhau, hầu hết là nhập khẩu từ nước ngoài; trong đó, có Việt Nam.
Thói quen mua sắm nhiều và thường xuyên của người Saudi Arabia là một điểm thuận lợi cho các nước xuất khẩu hàng hóa vào thị trường bao gồm cả Việt Nam.
Các loại thảo mộc, gia vị như quế, hồi, đinh hương, nhục đậu khấu, hạt tiêu và nhiều loại khác được thêm vào tất cả các món ăn. Các sản phẩm khác bao gồm gia vị muối, tiêu, hỗn hợp gia vị, ớt bột, nghệ, gừng...
Để đáp ứng sự thay đổi của thế hệ trẻ về thị hiếu và sở thích, các nhà sản xuất gia vị đang cung cấp nhiều loại sản phẩm gia vị khác nhau nên Saudi Arabia có nhu cầu lớn về các loại thảo mộc hữu cơ tốt cho sức khỏe, gia vị, nước sốt đậu nành, nước sốt ớt … như một hương liệu bổ sung cho các món ăn.
Cùng với đó, một số thương hiệu quốc tế, khu vực và địa phương có sẵn trên thị trường thảo mộc, gia vị và gia vị của Saudi Arabia cung cấp nhiều loại sản phẩm đa dạng, có sự cạnh tranh gay gắt giữa những nhà cung cấp hàng đầu và mỗi nhà cung cấp đều tung ra các sản phẩm sáng tạo và khác biệt.
Nhu cầu về thực phẩm hữu cơ và gia vị hữu cơ ở Saudi Arabia cũng rất lớn. Hơn nữa, một số ít gia vị hữu cơ là ớt, gừng và nghệ… đang được các nhà sản xuất kết hợp các công nghệ mới nhất như xử lý hơi nước để duy trì chất lượng, an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn hữu cơ cho các loại thảo mộc, gia vị và gia vị. Xu hướng này giúp các nhà sản xuất duy trì môi trường cạnh tranh trên thị trường.
Các kênh phân phối chính của thảo mộc, gia vị và gia vị là đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ điện tử và các kênh khác. Vật liệu đóng gói chính cho các loại thảo mộc, gia vị và gia vị ở Saudi Arabia là thủy tinh, bao bì linh hoạt, giấy và bìa, nhựa cứng và các loại khác. Các thùng đóng gói có nhiều loại khác nhau như lọ, chai, túi/gói, bồn, hộp, túi và ống.
Theo quan sát, lĩnh vực thảo mộc hữu cơ, gia vị, nước sốt và gia vị ở Saudi Arabia tăng trưởng nhanh do dân số tăng, sức mua và tiêu dùng nhiều hơn cùng với xu hướng mới trong việc sử dụng vật liệu đóng gói, phân phối và xây dựng thương hiệu.
Các loại gia vị hữu cơ như ớt cay, vani, gừng, quế và tiêu đen chiếm thị phần chính trong thị trường thảo mộc, gia vị và gia vị cùng với các biến thể khác của các sản phẩm có sẵn. Đặc biệt, Saudi Arabia có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm nước chấm, nước xốt và gia vị cao cấp trong những năm tới.
Đáng lưu ý, thuế nhập khẩu tại Saudi Arabia áp dụng thùy theo từng chủng loại hàng hóa từ 1-12%; thuế VAT tăng từ 5% lên 15% áp dựng từ 1/7/2020.
Sau 1 năm thực hiện, người dân đã quen dần với việc tăng thuế và sức mua tăng trở lại, tiềm năng thị trường lớn.
Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Saudi Arabia năm 2020 đạt 460 triệu USD. Riêng 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Saudi Arabia đạt 225 triệu USD. Các loại gia vị, hạt tiêu đến từ Việt Nam có kim ngạch khoảng 10 triệu USD/năm.
Tại hội nghị, ông Trần Trọng Kim cũng đưa ra một số lưu ý khi xuất khẩu sang thị trường này như sản phẩm thực phẩm, đồ ăn, thức uống phải có chứng nhận của Tổng cục Dược phẩm và Thực phẩm SFDA.
Ngoài ra, việc xác minh doanh nghiệp tại là phải mất phí và mất thời gian, nên các giao dịch thương mại, thanh toán đề nghị doanh nghiệp thực hiện theo hình thức thư tín dụng (LC) không hủy ngang, có đặt cọc để bảo đảm.
Mặt khác, không giao dịch với đối tác môi giới mà yêu cầu công ty Việt Nam chuyển trước phí môi giới, phí luật sư, phí chấp thuận hợp đồng bởi đây là những hoạt động các đối tượng lừa đảo hay sử dụng để chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp.
Ông Trần Trọng Kim cho biết thêm, người Trung Đông có thói quen mắt thấy tay sờ, nhìn hàng tận mắt nên doanh nghiệp nên gửi mẫu cho khách trước. Đồng thời gửi cho Thương vụ để trưng bày tại phòng giới thiệu hàng xuất khẩu của Việt Nam, và tại các sự kiện Ngoại giao kinh tế phối hợp giữa Thương vụ với các Phòng thương mại và Công nghiệp địa phương.
Hơn nữa, hàng Việt Nam chưa có thương hiệu riêng, khi xuất khẩu đều đóng gói theo tên nhà nhập khẩu, thương hiệu của nhà phân phối. Vì vậy doanh nghiệp cần chú trọng việc xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình để tăng vị thế, uy tín của doanh nghiệp.
Đặc biệt, cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Saudi Arabia SFDA ban hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm tra, thanh tra, giám sát và khuyến cáo người dân loại bỏ những sản phẩm có hại cho sức khỏe cộng đồng.
Điều này cho thấy SFDA không chỉ ra quy định mà còn thực thi rất nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, theo đó cơ quan này đã ban hành quy định về hạn mức thuốc kháng sinh cho phép đối với tất cả các loại thực phẩm, quả tươi, rau củ, gia vị.
Vì vậy, doanh nghiệp lưu ý có thể liên hệ với thương vụ hoặc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) để được hỗ trợ nhằm tránh những thiệt hại đáng tiếc trong quá trình giao dịch.