Trương Thị Bích Ngọc sinh năm 1986. Tốt nghiệp thạc sĩ tại Australia với chuyên ngành “rất Tây” là Quản trị du lịch quốc tế và nhà hàng khách sạn, đồng thời từng nghiên cứu, công tác trong ngành du lịch nước này suốt 5 năm (2009-2013), ít ai nghĩ chị lại về nước để lăn lộn với du lịch cộng đồng-loại hình còn khá mới, lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức trong triển khai. Hỏi ra mới biết, chính quá trình học tập, trải nghiệm, quan sát tại những nước có ngành du lịch phát triển hơn Việt Nam đã khiến chị nhận ra dù là ở đâu thì cộng đồng bản địa cũng mới chính là chủ thể quyết định sự phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh của du lịch địa phương.
Du lịch cộng đồng còn là giải pháp hữu hiệu để gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và cảnh quan, môi trường tự nhiên. Vì thế, với mong muốn tạo ra những đóng góp ý nghĩa, thiết thực cho nền kinh tế xanh nước nhà, bên cạnh công việc hằng ngày của một giảng viên kiêm Chủ nhiệm bộ môn Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống (Trường đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh), chị còn trở thành chuyên gia tư vấn, thiết kế, đào tạo phát triển du lịch dựa trên nền tảng cộng đồng cho nhiều địa phương trên cả nước.
Hiện tại, Thạc sĩ Trương Thị Bích Ngọc đang đồng thời tham gia các dự án phát triển du lịch tại Giang Biên (Hà Nội), Duy Tiên (Hà Nam) và Tri Tôn (An Giang). Ở Giang Biên thiên về khai thác thế mạnh du lịch nông nghiệp dựa trên tài nguyên nông sản sạch của nông dân, còn tại Duy Tiên lại hướng tới khai thác du lịch về nguồn dựa trên những lợi thế về văn hóa lịch sử, làng nghề. Trong khi đó, dự án ở Tri Tôn được định hướng sẽ phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe trên cơ sở nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, đội ngũ lương y lành nghề.
Ðây đều là những dự án mà chị và các cộng sự đã phải dành nhiều năm để nghiên cứu, khảo sát tiềm năng, xây dựng hướng phát triển phù hợp, bởi trong du lịch cộng đồng, không thể đem mô hình có sẵn ở nơi này áp dụng cơ học cho nơi khác, đặc biệt là khi mỗi vùng, miền sở hữu những đặc tính về tự nhiên, văn hóa khác nhau. Ðơn cử, để phục dựng lại một lễ hội từ thời Lê ở Hà Nam, các chuyên gia không những cần tìm hiểu các tư liệu cần thiết về cách thực hành lễ hội, mà còn cần có sự khảo cứu sâu sắc về nhiều yếu tố khác như trang phục, nhạc cụ thời Lê...
Hay để khắc phục tính mùa vụ trong phát triển du lịch nông nghiệp ở Giang Biên, các chuyên gia cũng phải tìm hiểu kỹ về đặc tính sinh học của cây trồng, vật nuôi, sự ảnh hưởng của yếu tố thời tiết tới nông sản để đưa ra những phương án dự phòng hợp lý.
Thạc sĩ Trương Thị Bích Ngọc chia sẻ, yếu tố tiên quyết làm nên thành công trong phát triển du lịch cộng đồng là huy động được sự vào cuộc, tham gia quản lý, vận hành dịch vụ của người dân địa phương, tuy nhiên quá trình này không hề đơn giản. “Sai lầm thường thấy của các chuyên gia là cho rằng mình có kiến thức, kỹ năng về du lịch nhiều hơn nên hay áp đặt ý kiến cho bà con mà không tính tới sự tương thích với cộng đồng.
Do đó, sau khi hết thời hạn triển khai dự án, chuyên gia rời đi thì mô hình du lịch cũng không thể duy trì do năng lực tự vận hành của cộng đồng không đủ đáp ứng yêu cầu đặt ra”, chị Ngọc phân tích. Chị rút ra bài học, đến với địa phương nào trước hết cũng cần tìm ra phương thức tiếp cận phù hợp nhất với dân cư bản địa, hiểu được họ thật sự mong muốn điều gì khi tham gia hoạt động du lịch. Bởi trên thực tế, có những nơi người dân không quá khó khăn đến mức phải chờ du lịch vào để phát triển kinh tế.
Chẳng hạn như ở Giang Biên, điều mà gần 20 nông hộ tham gia phát triển du lịch nông nghiệp quan tâm hàng đầu chưa hẳn đã là lợi nhuận, mà là niềm vui, sự tự hào khi được trò chuyện, giới thiệu với du khách về lịch sử Giang Biên, về góc ruộng, mảnh vườn đang được họ ứng dụng công nghệ sạch để chăm sóc mỗi ngày.
Sản phẩm du lịch cộng đồng ở một điểm đến chỉ có thể tồn tại lâu dài khi được triển khai bởi chính người dân bản địa. Do đó, khâu hướng dẫn, đào tạo kỹ năng làm du lịch cho cộng đồng là vô cùng quan trọng, cũng vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì, khéo léo cao độ của những chuyên gia du lịch.
Sản phẩm du lịch cộng đồng ở một điểm đến chỉ có thể tồn tại lâu dài khi được triển khai bởi chính người dân bản địa. Do đó, khâu hướng dẫn, đào tạo kỹ năng làm du lịch cho cộng đồng là vô cùng quan trọng, cũng vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì, khéo léo cao độ của những chuyên gia du lịch.
Chị Ngọc cho hay, đa phần người dân đều chưa có kiến thức, kỹ năng làm du lịch, nên nếu tập huấn theo kiểu đưa ra những bài giảng, tài liệu hướng dẫn chuyên ngành nhiều chữ sẽ rất dễ khiến họ nản, bỏ cuộc, đó là chưa kể có những người ở khu vực vùng sâu, vùng xa còn không biết chữ.
“Do đó, chúng tôi buộc phải thay đổi cách đào tạo theo phương pháp trực quan hóa, biến các kiến thức thành quy trình, hình ảnh dễ thuộc, dễ nhớ để bà con dễ tiếp thu nhất. Thí dụ, với dịch vụ lưu trú, chúng tôi cụ thể hóa thành quy trình 4S (sẵn sàng khi khách đặt phòng, sâu sát khi khách nhận phòng, săn sóc khi khách lưu trú, sạch sẽ khi khách rời đi); hay với vận hành tour du lịch nông nghiệp, chúng tôi xây dựng thành quy trình 7T (tận tình chào đón khách, tự tin khi giới thiệu, thành thạo khi hướng dẫn, thân thiết khi cùng khách nấu món ăn, thuần thục khi cùng khách đóng gói rau củ, thủ thỉ khi hướng dẫn tham quan di tích, thương nhớ khi tạm biệt khách)...”, chị Ngọc phân tích.
Từ thực tế triển khai các dự án, chị đúc kết muốn xây dựng mô hình du lịch cộng đồng bền vững, cùng với sự hưởng ứng của cộng đồng dân cư, còn cần sự định hướng của các chuyên gia, sự hỗ trợ về chính sách của chính quyền địa phương, cũng như sự “bắt tay” của những nhà đầu tư, quỹ tài trợ, công ty du lịch vận hành phù hợp.
“Lâu nay, có nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng đã được ra mắt nhưng nhanh chóng “đứt gãy” vì thiếu tính liên kết chặt chẽ, thiếu sự cộng tác hài hòa giữa các yếu tố chủ thể, khách thể trong phát triển du lịch. Nhiều nơi nhìn thấy tiềm năng du lịch nhưng chỉ làm kiểu manh mún, nhỏ lẻ với tính cá nhân cao dẫn đến sự đứt quãng giá trị trong hành trình trải nghiệm của du khách, làm giảm sức hấp dẫn của sản phẩm. Ðây cũng là điểm hạn chế nói chung của du lịch Việt Nam”, chị Ngọc chia sẻ.
Qua nhiều lần công tác, trải nghiệm du lịch Thái Lan với vai trò vừa là người khảo sát, vừa là khách du lịch, đồng thời tham gia giảng dạy những khóa ngắn hạn về du lịch tại nước này, Bích Ngọc nhận thấy tài nguyên du lịch của Việt Nam không hề thua kém nước bạn về sự phong phú, giàu có, nhưng rõ ràng, cách họ làm du lịch tốt hơn Việt Nam. Ðẩy mạnh tính liên kết trong chuỗi cung ứng du lịch, Thái Lan áp dụng công thức “giảm đầu vào và tăng đầu ra”.
Các dịch vụ du lịch cơ bản như lưu trú, di chuyển của họ có mức giá khá thấp, nhưng họ lại có sự tính toán rất kỹ trong tạo ra sự liên tục trong hành trình trải nghiệm của du khách để mang đến những điểm chạm về cảm xúc, đa dạng hóa nhiều sản phẩm du lịch khiến du khách không ngần ngại trong chi tiêu. Ðây là điều mà du lịch Việt Nam cần nghiêm túc nghiên cứu để có những chiến thuật phát triển hiệu quả hơn thời gian tới.