Máy tính Việt đồng loạt cài Linux

Máy tính CMS đã tích hợp sẵn Linux từ năm 2001.
Máy tính CMS đã tích hợp sẵn Linux từ năm 2001.

Ông Phạm Thiện Nghệ, Giám đốc Công ty máy tính Khai Trí cho biết bắt đầu từ tháng 1, tất các máy tính xuất xưởng của Khai Trí mang thương hiệu Wiscom sẽ được tích hợp sẵn hệ điều hành nguồn mở Linux hoặc hệ điều hành thương mại Windows của Microsoft.

Khai Trí cũng như nhiều doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất máy tính thương hiệu Việt khác, lâu nay chỉ tích hợp sẵn hệ điều hành Windows hoặc hệ điều hành miễn phí DOS cho các máy tính xuất xưởng. Tuy nhiên, máy tính cài hệ điều hành DOS chỉ có tác dụng để kiểm tra cấu hình, không mang lại giá trị sử dụng cho khách hàng. Vì vậy, việc cài đặt Linux theo ông Nghệ là cách mang lại thêm một lựa cho cho khách hàng, và cũng là động thái thể hiện cam kết tôn trọng bản quyền mặc dù đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chính thức nào cảu Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất máy tính phải tích hợp sẵn hệ điều hành với các máy tính xuất xưởng.

Theo ông Nghệ, các máy tính của Khai Trí sẽ cài phiên bản Hacao Linux, với giá mỗi máy tính chỉ tăng thêm 2 USD, thấp hơn so với chi phí tăng thêm khoảng 50 USD của các máy tính dùng hệ điều hành Windows phiên bản tính năng thấp nhất (Starter Edition).

Trước Khai Trí, Công ty máy tính CMS đã tích hợp sẵn Linux từ năm 2001. Ban đầu, CMS cài bản hệ điều hành Linux do công ty tự Việt hoá, nhưng từ năm 2006 đã chuyển sang dùng hệ điều hành Ubuntu. Ông Nguyễn Phước Hải, Tổng giám đốc CMS cho biết: “CMS hiện là đối tác chính của Unbuntu ở Việt Nam. Các máy tính của CMS tích hợp sẵn Ubuntu có giá tăng lên không đáng kể, doanh nghiệp coi đó là dịch vụ giá trị gia tăng thêm cho khách hàng”.

Không chỉ riêng Khai Trí và CMS, ông Nghệ đồng thời là Chủ tịch Câu lạc bộ các doanh nghiệp máy tính Việt Nam cho biết các thành viên trong Câu lạc bộ này cũng sẽ cài Linux vào các máy tính xuất xưởng trong năm 2008.

Ông Hoàng Lê Minh, Phó Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông TP Hồ Chí Minh nhận định: “Việc các doanh nghiệp máy tính Việt Nam cài Linux thể hiện một bước tiến nhất định của hệ điều hành này ở Việt Nam”. Theo ông Minh thì việc các cơ quan Đảng và mới đây là ngành giáo dục tuyên bố chuyển sang nguồn mở và việc Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành danh mục phần mềm nguồn mở ưu tiên sử dụng trong các cơ quan nhà nước sẽ tác động khá lớn đến phần mềm nguồn mở. “Số lượng người dùng Linux ở Việt Nam sẽ tăng lên vào năm 2008, tuy chưa nhiều”, ông Minh nói.

Trên bình diện toàn cầu, Linux đã đạt được bước tiến dài trong năm 2007. Theo khảo sát của tổ chức Linux Foudation với 20 nghìn người dùng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở châu Âu và khu vực Bắc Mỹ, có khoảng 68% số người dùng nói đã cài Linux, trong đó khoảng 39% nói đang chạy Linux cho hơn nửa số máy tính của họ. Một nghiên cứu khác của công ty nghiên cứu thị trường Forrester dự báo khoảng 44% người dùng máy tính đang có xu hướng muốn chuyển sang hệ điều hành Linux và Mac OS, và chỉ có 13% nói muốn chuyển sang hệ điều hành Windows mới nhất Vista.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Lê Minh thì chưa thể hy vọng tỷ lệ người dùng Linux cao ở Việt Nam ở thời điểm hiện nay bởi nhiều yếu tố níu kéo người dùng sử dụng Windows từ mức độ vi phạm bản quyền phần mềm còn cao, thói quen dùng Windows dẫn đến những lệ thuộc nhất định vào hệ điều hành này đến vấn đề trình độ người dùng còn hạn chế và cả những khó khăn của việc chuyển sang môi trường Linux.

Vì vậy, có thể phần lớn số máy tính bán ra của CMS là máy tính dùng Linux theo như lời ông Nguyễn Phước Hải nhưng điều đó chưa thể khẳng định tỷ lệ người dùng Linux ở Việt Nam đang tăng. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp máy tính Việt Nam thi nhau cài Linux cùng với những tín hiệu cụ thể khác từ các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp gần đây cho thấy phần mềm nguồn mở đã có những cơ hội rõ rệt ở Việt Nam.