Mảnh vỡ tên lửa của Trung Quốc rất ít khả năng gây hại

NDO -

Ngày 7-5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết, hầu hết các mảnh vỡ từ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc sẽ bị đốt cháy khi bay trở lại bầu khí quyển của Trái đất vào cuối tuần này và rất ít có khả năng gây hại.

Tên lửa Trường Chinh 5B mang theo module cốt lõi của trạm vũ trụ Thiên Hà của Trung Quốc, cất cánh từ Trung tâm Vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ngày 29-4. Ảnh: China Daily.
Tên lửa Trường Chinh 5B mang theo module cốt lõi của trạm vũ trụ Thiên Hà của Trung Quốc, cất cánh từ Trung tâm Vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ngày 29-4. Ảnh: China Daily.

Tên lửa Trường Chinh 5B đã được phóng từ đảo Hải Nam của Trung Quốc vào ngày 29-4, mang theo module lõi để xây dựng trạm vũ trụ Thiên Hà (Tianhe) của nước này.

Bộ Tư lệnh Không gian, trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, vị trí của tên lửa Trường Chinh 5B khi rơi vào bầu khí quyển của Trái đất "không thể xác định chính xác cho đến khi nó bay trở lại trong vòng vài giờ", dự kiến ​​là vào khoảng ngày 8-5.

Phát biểu tại Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân cho biết, Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ việc tên lửa bay vào bầu khí quyển và hầu hết các bộ phận của nó sẽ bị đốt cháy khi rơi xuống.

Tại một cuộc họp, ông Vương Văn Bân nói: “Theo những gì tôi hiểu, loại tên lửa này áp dụng thiết kế kỹ thuật đặc biệt, và phần lớn các thiết bị sẽ bị đốt cháy và phá hủy trong quá trình quay trở về Trái đất, có khả năng gây hại rất thấp cho các hoạt động hàng không và mặt đất”.

Hôm 5-5, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đưa tin, các mảnh vỡ từ tên lửa Trường Chinh 5B có khả năng rơi xuống vùng biển quốc tế. Vỏ ngoài bằng hợp kim nhôm “mỏng” của nó sẽ dễ dàng bốc cháy trong khí quyển, gây ra nguy cơ cực thấp cho con người.

Vụ phóng module lõi lần này là nhiệm vụ đầu tiên trong số 11 nhiệm vụ cần thiết để hoàn thành trạm vũ trụ của Trung Quốc.