Theo nhận định của lực lượng chức năng, thời gian gần đây, hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn có bước phát triển nhanh. Bên cạnh những lợi ích do thương mại điện tử đem lại, đã xuất hiện những cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng đặc thù của hình thức mua bán online để kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ðặc biệt, có một số đối tượng bán hàng thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube, TikTok… đã cắt ghép, chèn các thông tin, hình ảnh, bài viết, nội dung phát biểu của những người nổi tiếng, như ca sĩ, nghệ sĩ,… để đánh bóng thương hiệu, sản phẩm hàng hóa, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Khi có khách đặt hàng, các đối tượng sẽ yêu cầu họ để lại địa chỉ, số điện thoại, sau đó liên hệ tư vấn, chốt đơn hàng rồi sử dụng các dịch vụ vận tải, bưu chính để chuyển hàng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý.
Ngay trong những ngày đầu năm 2024, Ðội Quản lý thị trường số 4 chủ trì, phối hợp Ðội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an thành phố Móng Cái tiến hành thẩm tra, xác minh một tài khoản bán hàng trên mạng xã hội Facebook do Nguyễn Văn Anh, địa chỉ tại số 269 Trần Hưng Ðạo, Hải Yên, thành phố Móng Cái là chủ sở hữu.
Kiểm tra địa điểm kinh doanh của Nguyễn Văn Anh, lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm sản phẩm trà đóng gói các loại và phụ kiện không rõ nguồn gốc xuất xứ, tổng trị giá hơn 150 triệu đồng. Ðội Quản lý thị trường số 4 đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ tang vật, hoàn thiện hồ sơ tham mưu Cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 100 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm.
Việc kiểm soát hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử của các lực lượng chức năng hiện nay gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các đối tượng bán hàng không có cửa hàng cụ thể, mà đặt hàng, lấy hàng ở nhiều nơi, sau đó sử dụng dịch vụ đơn vị vận chuyển, chuyển phát, thu tiền hộ. Trên bao bì đơn hàng, không thể hiện địa chỉ của người bán khiến cho lực lượng chức năng mất nhiều thời gian để theo dõi, xác định và thu thập chứng cứ, đấu tranh xử lý.
Ông Nguyễn Ðình Hưng, Cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh
Trước tình trạng này, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ, đội và cán bộ, nhân viên trong toàn lực lượng.
Theo đó, Cục chỉ đạo các phòng chuyên môn, Ðội Quản lý thị trường trên địa bàn bám sát, phối hợp với địa phương, đơn vị, triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại trong tình hình mới; tổ chức quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường, tỉnh Quảng Ninh về phòng, chống gian lận thương mại, đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử để người dân nắm, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, góp phần bình ổn thị trường, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Với các giải pháp quyết liệt, từ đầu năm 2024 đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, phát hiện, xử lý hơn 200 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính, bán phát mại và tiêu hủy hàng hóa gần 8,8 tỷ đồng. Trong đó có nhiều vụ được phát hiện, xử lý qua công tác thẩm tra, xác minh các tài khoản bán hàng thương mại điện tử.
Cùng với đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ động phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền đến 2.450 lượt tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong kinh doanh thương mại, đồng thời tăng cường phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác đấu tranh phòng, chống gian lận lĩnh vực thương mại điện tử, ông Nguyễn Ðình Hưng cho biết thêm: Trong môi trường công nghệ số bùng nổ như hiện nay, thương mại điện tử, mạng xã hội là không gian vô cùng rộng lớn, xuyên biên giới, do vậy, để đấu tranh hiệu quả với hành vi gian lận thương mại, rất cần các cơ quan chức năng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống hàng giả trên thương mại điện tử. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh, kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Thực tế hiện nay, đòi hỏi các đơn vị chức năng cần quản lý hàng hóa theo địa bàn, phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác đối với các đầu số, trang mạng,... có dấu hiệu lừa đảo hoặc bán hàng giả, kém chất lượng; tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, rà soát doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm để ngăn chặn kịp thời từ sớm, từ xa.
Ðối với loại hình vận chuyển logistics, các loại xe gắn mác bưu chính, vận chuyển thư, báo phải bảo đảm các quy định hiện hành trong nước và quốc tế. Riêng lực lượng chuyên trách cần được trang bị giải pháp công nghệ thích hợp để giám sát các hoạt động thương mại điện tử; gắn mã định danh hàng hóa đối với doanh nghiệp, cá nhân, sàn giao dịch,... tổ chức bán hàng online.
Ðối với hàng hóa qua đường hàng không, cảng biển và tại các cửa hàng bán hàng miễn thuế, hàng xách tay, cần có biện pháp kiểm soát chặt ngay từ đầu vào. Bên cạnh đó, gắn trách nhiệm đối với doanh nghiệp viễn thông trong việc quản lý, xử lý các đầu số, tên miền, trang mạng, tài khoản cá nhân vi phạm.
Thời gian tới, với hệ thống giải pháp đồng bộ, phù hợp, khắc phục những hạn chế trong quản lý, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh tiếp tục rà soát, kiểm tra các website bán hàng, website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có trụ sở trên địa bàn; nhắc nhở các đối tượng tuân thủ pháp luật về hoạt động thương mại điện tử; rà soát trang bán hàng trên Facebook, Zalo, TikTok, Telegram,… và phối hợp với lực lượng chức năng triển khai biện pháp nghiệp vụ hữu hiệu để theo dõi đơn vị vận chuyển, tài khoản xã hội có số lượng người theo dõi lớn, các doanh nghiệp có hoạt động thương mại điện tử, qua đó góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sản xuất, người tiêu dùng.