Cùng suy ngẫm

Mang tâm thế chủ động hơn trong hội nhập

Theo Trung tâm WTO và hội nhập (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI), hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã có bước chuyển đáng kể, từ chiều rộng (tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới-WTO) sang chiều sâu (tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do-FTA); chuyển từ hội nhập bị động sang chủ động, từ đàm phán gia nhập thị trường sang thiết kế luật chơi; từ hội nhập truyền thống sang hội nhập thế hệ mới,…
0:00 / 0:00
0:00
Mang tâm thế chủ động hơn trong hội nhập

Ðến nay, với 15 FTA đã có hiệu lực cùng 2 FTA đang trong quá trình đàm phán, Việt Nam đã và đang trở thành quốc gia tích cực nhất trong hợp tác thương mại quốc tế, khẳng định chủ trương, chiến lược đúng đắn của Ðảng, Nhà nước. Trong đó, hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những trọng tâm của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh, phức tạp, khó dự báo.

Có thể nói, việc đàm phán thành công và tham gia vào các FTA thế hệ mới đã chứng tỏ năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Ðiều này đang mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra những thách thức đối với các ngành, doanh nghiệp, đòi hỏi tuân thủ luật chơi theo tiêu chuẩn cao để tận dụng được cơ hội và hạn chế tranh chấp thương mại. Bởi đây mới chỉ là bệ phóng tốt để phát triển kinh tế, "trái ngọt" từ các cơ hội này vẫn chờ những doanh nghiệp có đủ năng lực, cùng sự chủ động để tham gia tích cực, sâu hơn vào "sân chơi" kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Bộ Công thương, tỷ lệ tận dụng cơ hội từ các FTA của doanh nghiệp Việt Nam trung bình trong giai đoạn năm 2015-2021 chỉ đạt 32,7%, riêng với hiệp định CPTPP con số này mới đạt 6,3%.

Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do sự thụ động của các doanh nghiệp Việt Nam trong nhận thức về thời cơ và nguy cơ từ hội nhập kinh tế quốc tế; hạn chế về năng lực cạnh tranh; thiếu chủ động tham gia vào quá trình xây dựng, hình thành chính sách; một bộ phận vẫn còn hiện tượng gian lận. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, hội nhập theo các FTA nói riêng,...

Do đó, để nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng tốt những cơ hội từ các FTA mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam phải mang trong mình một tâm thế chủ động hơn trong hội nhập, phát huy hơn nữa năng lực sáng tạo, linh hoạt và xây dựng được bản sắc riêng của doanh nhân Việt Nam. Không chỉ phát triển doanh nghiệp do mình làm chủ mà cần tăng cường hợp tác, liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính thông qua các chương trình hỗ trợ chung cho doanh nghiệp trong nước về thông tin, xúc tiến thương mại; thiết lập đầu mối tư vấn, giải thích chính thức về các cam kết quốc tế,...

Khi các chính sách ban hành giúp khơi thông cơ hội hợp tác, các doanh nghiệp cũng cần khẩn trương chủ động hòa nhịp quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, tạo động lực thúc đẩy kinh tế đất nước tiếp tục phát triển.